(LSO) - Vừa qua, Câu lạc bộ Luật sư trẻ phối hợp với Ban Truyền thông – Văn thể thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu với chủ để “Thầy tôi – Đồng nghiệp tôi”. Buổi giao lưu là sự gặp gỡ thân mật, ấm cúng của giới Luật sư Hà Nội, nhằm tôn vinh những người thầy, những người anh cả đã dìu dắt các thế hệ Luật sư đoàn Hà Nội nói riêng và giới Luật sư nói chung trưởng thành trong bước đường nghề nghiệp. Đến nay, khi đã trở thành đồng nghiệp của chính người thầy của mình năm xưa, nhiều Luật sư trẻ đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên, đầy xúc động cùng tình cảm tôn kính, trân trọng tình đồng nghiệp, tình thầy trò.
Là một cử nhân Luật với khát vọng trở thành Luật sư, được tham gia chương trình là một niềm vinh hạnh đối với tôi, đồng thời cũng là một cơ hội để tôi hiểu thêm về nghề Luật sư.
Ấn tượng và sâu sắc nhất trong những chia sẻ về nghề nghiệp cao quý này là cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ và lời phát biểu chân thành của Luật sư Phạm Hồng Hải.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhiệm kỳ VIII nhận định về phẩm chất của một người Luật sư bao gồm thông thái, trung thực, dũng cảm... Luật sư là người bảo vệ công lý, là một Luật sư thì phải dũng cảm; đây cũng là những suy nghĩ vốn có của tôi và có lẽ cũng chẳng có gì là lạ. Tuy nhiên, phải trực tiếp nghe và tìm hiểu về những trải nghiệm nghề nghiệp của một Luật sư chân chính mới thấm thía được sự dũng cảm mà Luật sư Tỵ nói đến. Đó là sự dũng cảm đối mặt với những khó khăn, vất vả trong điều kiện hành nghề còn hạn hẹp; đó là sự dũng cảm đương đầu với những thách thức đầy máu và nước mắt để bảo vệ quyền lợi của thân chủ, để bảo vệ công bằng – lẽ phải và cũng là để bảo vệ tư cách, phẩm chất đạo đức của một người Luật sư.
Là một sinh viên chưa trải đời, chưa trải nghề, đây là những sự thật gai góc thức tỉnh tôi có một cái nhìn thực tế và nghiêm túc hơn với nghề Luật sư, với mong ước trở thành Luật sư. Nhưng không phải là sự e ngại hay sợ sệt mà là lòng quyết tâm muốn chinh phục. Bởi tôi biết, để được đứng trong hàng ngũ Luật sư cao quý ấy, mình còn phải trau dồi, rèn luyện nhiều, nhiều hơn nữa. Học hỏi, trau dồi không ngừng nghỉ trong mọi lĩnh vực cũng là lời khuyên chân thành của Luật sư Phạm Hồng Hải đã thức tỉnh tôi. Trên ghế nhà trường, giỏi môn này, yếu môn kia là việc bình thường nhưng điều đó là không thể đối với một Luật sư thành công.
Các lĩnh vực luật học nói riêng và các lĩnh vực khoa học – xã hội nói chung đều có sự tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau và nhiều khi là chiếc chìa khóa cần thiết để giải quyết một vụ việc. Vì vậy, việc học tập nâng cao kiến thức không chỉ cần sâu mà còn cần rộng và phải liên tục không ngừng nghỉ. Năm nay đã hơn 60 tuổi và sức khỏe bị ảnh hưởng bởi thời gian và nhiều vụ án quan trọng, nhưng Luật sư Hải chia sẻ, không ngày nào ông ngừng việc học, ông học trong sách vở, trong thực tế, ông học từ cả những đồng nghiệp trước đây là học trò ông dìu dắt. Học tập và nghiên cứu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của ông.
Bên cạnh những chia sẻ quý báu về nghề nghiệp, đọng lại trong tôi và có lẽ là bất kỳ ai tham dự buổi giao lưu là tình thầy trò ấm áp, xúc động. Có những nụ cười và những cái ôm chân thành khi thầy trò gặp lại; có cả những giọt nước mắt đã rơi khi người Luật sư trẻ nhắc lại những kỷ niệm về người thầy đã khuất… Trong tình cảm dạt dào ấy, tôi nhớ về từng thầy cô đã giảng dạy mình suốt bốn năm đại học, về các anh chị đang dìu dắt mình từng bước ở Công ty Luật Trung Nguyễn; và thêm mong ước một ngày không xa sẽ trở thành Luật sư đồng nghiệp của các thầy cô mình!
NGUYỄN KIM ANH Công ty Luật Trung Nguyễn |