Ảnh minh họa.
Đương sự trong vụ việc dân sự là gì?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 68, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự trong vụ án dân sự là các cá nhân, tổ chức gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cụ thể:
- Nguyên đơn trong vụ án dân sự: Là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự.
- Bị đơn trong vụ án dân sự: Là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự: Là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Những người này được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa vào tham gia tố tụng.
Trường hợp không được các đương sự khác đề nghị tham gia vào quá trình tố tụng nhưng việc giải quyết vụ việc có liên quan đến họ thì Tòa án sẽ trực tiếp đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: Là người yêu cầu Tòa án:
+ Công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh… của mình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
+ Công nhận quyền về dân sự, hôn nhân gia đình,…
Đương sự trong tố tụng hình sự là gì?
Luật sư cho biết, trong tố tụng hình sự, tại điểm g, khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đương sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức gồm: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Theo đó, tại Điều 63, Điều 64, Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:
- Nguyên đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Bị đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Là các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự.
Có thể thấy, trong nhiều vụ án hình sự sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố dân sự ví dụ như trong vụ án "Cố ý gây thương tích" sẽ đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến dân sự. Do đó, việc các bên cùng tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự có yếu tố dân sự sẽ đáp ứng được tính khách quan, toàn diện của vụ án.
Ngoài đương sự, các đối tượng tham gia vào tố tụng hình sự còn gồm bị cáo, bị hại, người làm chứng,…
Đương sự trong tố tụng hành chính là gì?
Theo khoản 7, Điều 3, Bộ luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung 2019, đương sự trong tố tụng hành chính gồm: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể:
- Người khởi kiện: Là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,…
- Người bị kiện: Là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,…
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng.
HOÀNG QUÝ