/ Tư vấn
/ Thế nào là 'Hành hạ người khác' và 'Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình'

Thế nào là 'Hành hạ người khác' và 'Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình'

22/07/2021 04:37 |

(LSVN) - Phân biệt tội "Hành hạ người khác" và "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo quy định của pháp luật? Bạn đọc H.H.N hỏi.

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, về điểm giống nhau trong cấu thành tội "Hành hạ người khác” (Điều 140 Bộ luật Hình sự) và tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 185 Bộ luật Hình sự) là người phạm tội đã có hành vi đối xử tàn ác đối với người khác và giữa người phạm tội và nạn nhân là có những mối quan hệ lệ thuộc.

Cụ thể, Điều 140, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định tội "Hành hạ người khác" như sau:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên49;

c) Đối với 02 người trở lên.

Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" như sau:

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, 02 tội cũng có những điểm khác nhau, đó về mối quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân.

Đối với tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" thì giữa người phạm tội với nạn nhân bắt buộc phải có mối quan hệ trong hôn nhân, gia đình, quan hệ nuôi dưỡng như: Cha mẹ với con, ông bà với cháu và vợ với chồng...

Còn đối với tội "Hành hạ người khác” thì giữa người phạm tội và nạn nhân sẽ có những mối quan hệ lệ thuộc về kinh tế, công tác hoặc tôn giáo... mà không phải là mối quan hệ lệ thuộc trong hôn nhân, gia đình hay quan hệ nuôi dưỡng như trong tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".

Xét trong trường hợp chỉ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Do đó, hành vi thường xuyên đánh đập và xúc phạm danh dự nhân phẩm sẽ không cấu thành tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".

Đồng thời, nếu giữa hai người không có các mối quan hệ lệ thuộc nào khác thì hành vi đánh đập và xúc phạm danh dự nhân phẩm cũng không cấu thành thành tội "Hành hạ người khác” mà tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự) hoặc tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” (Điều 134 Bộ luật Hình sự).

TRẦN MINH

Thủ tục xin hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định pháp luật

Admin