Ảnh minh họa.
Thế nào là giả mạo trong công tác?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung các giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm, cấp các giấy tờ giả. Trong đó:
- Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó.
Hành vi sửa chữa ở đây được hiểu theo nghĩa tiêu cực, tức là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. Hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế khách quan.
Giấy tờ bị sửa chữa chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm.
- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ.
Các tài liệu ở đây có thể là: Tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp... tồn tại dưới dạng giấy tờ hoặc file ghi âm, ghi hình…
- Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra các giấy tờ có nội dung không đúng với thực tế khách quan. Nói cách khác, đây là các giấy tờ không có thật, không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả.
Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác có thể bao gồm cả hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy tờ đó cho người mà mình quan tâm. Thông thường thì người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó.
- Giả mạo chữ ký là hành vi của người của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của người khác (người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn).
Tội "Giả mạo trong công tác" bị xử lý thế nào?
Mức phạt tội "Giả mạo trong công tác" hiện nay được quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt tù từ 01 - 05 năm với người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả;
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
- Khung 02:
Phạt tù từ 03 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 - 05 giấy tờ giả.
- Khung 03:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 - 10 giấy tờ giả;
+ Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Khung 04:
Phạt tù từ 12 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
+ Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.
VŨ QUÝ
Phân biệt tội 'Buôn lậu' và tội 'Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới'