Ảnh minh họa.
Trường hợp nào bị coi là khai thác khoáng sản trái phép?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoáng sản gồm các khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở các thể: rắn, lỏng, khí ở trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ (theo khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010).
Trong đó, khai thác khoáng sản được hiểu là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
Tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp.
Từ những căn cứ trên có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi, quyền hạn của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Khi nào khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý hình sự?
Tội "Khai thác khoáng sản trái phép" hiện nay được quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Trong đó, Điều luật nêu rõ, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, ngoài hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý hình sự về tội "Khai thác khoáng sản trái phép":
- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng trở lên;
- Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.
Mức phạt tội "Khai thác khoang sản trái phép" thế nào?
Tại Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định cụ thể về mức phạt áp dụng với tội "Khai thác khoáng sản trái phép" như sau:
Đối với cá nhân:
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng;
Khoáng sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỉ đồng;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%;
Đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Khung 02:
Phạt tiền từ 1,5 - 05 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên;
Khoáng sản trị giá từ 01 tỉ đồng trở lên;
Có tổ chức;
Gây sự cố môi trường;
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 122% trở lên.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng.
Đối với pháp nhân:
- Phạt tiền từ 1,5 - 03 tỉ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu lợi bất chính từ 300 - dưới 500 triệu đồng;
Khoáng sản trị giá từ 700 triệu - đến dưới 01 tỉ đồng;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% -121%.
Hoặc:
Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu - dưới 700 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạt tiền từ 03 - 07 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên;
Khoáng sản trị giá từ 01 tỉ đồng trở lên;
Có tổ chức;
Gây sự cố môi trường;
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 122% trở lên.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.
QUÝ TRẦN