Ảnh minh họa.
Ngày 10/9, HĐND tỉnh Quảng Bình quyết định không thu học phí học kỳ I năm học 2022-2023 với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập các cấp. Với học kỳ II, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh tăng ở mức sàn theo quy định của Chính phủ.
Quyết định trên để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh do tác động của dịch Covid-19.
Ngày 31/8, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết miễn 100% học phí năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS và THPT, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Học sinh được miễn theo số tháng học thực tế nhưng không quá 09 tháng. Tiền hỗ trợ sẽ được trích từ nguồn ngân sách tỉnh cấp trong dự toán hàng năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh đưa ra chính sách miễn học phí cho học sinh các cấp.
Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cũng vừa ra Công văn số 1248 hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm học 2022-2023.
Theo đó, đối với các trường công lập, trước mắt, các đơn vị tạm thời chưa triển khai thực hiện thu học phí năm học 2022-2023 đối với tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí và giá các dịch vụ do mình quyết định.
Ngày 24/8, HĐND TP. Cần Thơ cũng quyết định miễn học phí cho 100% học sinh trên địa bàn. Nguồn hỗ trợ được thực hiện bằng ngân sách nhà nước của thành phố. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ dự kiến là 308,943 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên Cần Thơ thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn.
Tại Đà Nẵng, HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết dành khoảng 450 tỉ đồng từ ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ 100% học phí năm học 2022-2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập.
UBND tỉnh và HĐND tỉnh Bắc Kạn đồng ý phương án giữ ổn định mức học phí trong năm học mới 2022 - 2023 theo đề xuất của Sở GD&ĐT, đồng thời miễn 100% học phí cho khoảng gần 21.000 học sinh bậc THCS.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, cách đây 04 năm, HĐND TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Việc miễn học phí cho bậc mầm non và THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, đến nay, 100% học sinh các cấp ở thành phố được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỉ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.
Với Bà Rịa - Vũng Tàu, HĐND tỉnh quyết định miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2023 - 2024, học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025. Ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 568 tỉ đồng cho cả giai đoạn 2022 - 2025. Riêng mức học phí năm học 2022 - 2023 hơn 110 tỉ đồng.
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đang xem xét miễn học phí cho trẻ 03, 04 tuổi, học sinh bậc THPT, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Cà Mau quyết định tạm thời chưa thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023. Còn với các khoản thu khác đầu năm học (nếu có) tỉnh yêu cầu thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không được thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định.
Trước đó, ngày 23/8, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã ra công văn yêu cầu các trường học tạm thời chưa tổ chức thu học phí năm học 2022-2023 để chờ hướng dẫn về mức thu học phí năm học mới của UBND thành phố.
Cụ thể, đối với khoản thu khác không phải học phí như tổ chức dạy học 02 buổi/ngày, tổ chức các lớp học năng khiếu, ngoại ngữ, tin học, môn tự chọn, phục vụ bán trú, vệ sinh lớp bán trú... các trường học tiếp tục duy trì, giữ nguyên nội dung và định mức thu như năm học 2021 - 2022.
Dự toán thu, chi đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ phải xây dựng trước khi thông báo và thống nhất với phụ huynh. Bên cạnh đó, 100% trường công lập tại TP. Hồ Chí Minh năm nay sẽ thực hiện thanh toán bằng các phương thức không dùng tiền mặt.
Các tỉnh, thành phố không được miễn học phí sẽ áp dụng khung học phí theo quy định của Chính phủ. Chi tiết như sau:
Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên:
Vùng | Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT |
Thành thị | Từ 300 đến 540 | Từ 300 đến 540 | Từ 300 đến 650 | Từ 300 đến 600 |
Nông thôn | Từ 100 đến 200 | Từ 100 đến 220 | Từ 100 đến 270 | Từ 200 đến 330 |
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi | Từ 50 đến 110 | Từ 50 đến110 | Từ 50 đến 170 | Từ 100 đến 220 |
Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:
Vùng | Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT |
Thành thị | Từ 600 đến 1080 | Từ 600 đến 1080 | Từ 600 đến 1300 | Từ 600 đến 1300 |
Nông thôn | Từ 200 đến 440 | Từ 200 đến 440 | Từ 200 đến 540 | Từ 200 đến 660 |
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi | Từ 100 đến 200 | Từ 100 đến 220 | Từ 100 đến 340 | Từ 200 đến 440 |
Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư:
Vùng | Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT |
Thành thị | Từ 750 đến 1350 | Từ 750 đến 1350 | Từ 750 đến 1625 | Từ 750 đến 1625 |
Nông thôn | Từ 250 đến 550 | Từ 250 đến 550 | Từ 250 đến 675 | Từ 500 đến 825 |
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi | Từ 125 đến 275 | Từ 125 đến 275 | Từ 125 đến 425 | Từ 250 đến 550 |
TRẦN QUÝ