Hiện nay, cá nhân nếu bị phạt tiền và đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì có thể được hoãn thực hiện nộp tiền phạt.
Tuy nhiên, theo khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, không chỉ cá nhân mà tổ chức cũng có thể được áp dụng việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền.
Cụ thể, điều kiện để tổ chức được hoãn nộp tiền phạt do vi phạm hành chính gồm:
- Bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên;
- Đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Ngoài ra, về điều kiện để cá nhân được hoãn nộp tiền phạt do vi phạm hành chính cũng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2020 như sau:
- Bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên (quy định cũ là từ 03 triệu đồng trở lên);
- Gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn.
- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi người đó học tập, cư trú. Nếu gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở lên (mới bổ sung).
Đặc biệt, cả cá nhân và tổ chức đều phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nêu trên.
MINH HIỀN