(LSVN) - Bang Maine đã trở thành bang thứ hai quyết định cấm ông Donald Trump tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN.
Theo kênh CNN, đây là một quyết định ngạc nhiên dựa trên lệnh cấm nổi dậy của Tu chính án thứ 14.
Quyết định này khiến Maine trở thành bang thứ hai ở Mỹ loại ông Trump ra khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 vì vai trò của ông trong vụ người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 06/01/2021.
Trước đó, vào đầu tháng 12, Tòa án Tối cao Colorado đã đưa ra phán quyết gây choáng váng khi cấm ông Trump tham gia tranh cử tại bang này.
Diễn biến này là một chiến thắng quan trọng đối với những người chỉ trích ông Trump. Họ nói rằng họ đang tìm cách thực thi một điều khoản trong hiến pháp để bảo vệ nước Mỹ khỏi những người nổi dậy chống dân chủ.
Tổng thư ký bang Maine, bà Shenna Bellows, một thành viên đảng Dân chủ, đã đưa ra quyết định trên ngày 28/12 (giờ Mỹ) sau khi chủ trì một phiên điều trần hành chính vào đầu tháng này để xem ông Trump có khả năng đủ điều kiện tranh cử tổng thống ở bang này hay không. Một nhóm lưỡng đảng gồm các cựu nhà lập pháp bang Maine đã đệ đơn kiện nhằm vào ông Trump.
Quyết định của bà Bellows có thể bị kháng cáo tại Tòa án bang và gần như chắc chắn rằng phe của cựu Tổng thống Trump sẽ tìm cách phản đối kết quả kháng cáo.
Bà Bellows tuyên bố: “Tôi không đưa ra kết luận này một cách nhẹ nhàng. Nền dân chủ là thiêng liêng… Tôi lưu ý rằng chưa có tổng thư ký bang nào từng tước quyền tiếp cận lá phiếu của một ứng cử viên tổng thống dựa trên Mục 3 của Tu chính án thứ 14. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng chưa có ứng cử viên tổng thống nào trước đây từng tham gia nổi dậy”.
Trong quyết định của mình, bà Bellows kết luận rằng bà có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ lệnh cấm nổi dậy của Tu chính án thứ 14 và loại ông Trump khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Bà Bellows cho biết: “Lời tuyên thệ của tôi về bảo vệ Hiến pháp được đặt lên hàng đầu và nghĩa vụ của tôi theo luật bầu cử của Maine… là đảm bảo rằng các ứng cử viên xuất hiện trong lá phiếu bầu cử sơ bộ đủ điều kiện cho chức vụ mà họ tranh cử”.
Giải thích lý do đưa ra quyết định trên của mình, bà Bellows nói rằng những người phản đối ông Trump đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng cuộc nổi dậy ngày 6/1 đã xảy ra theo lệnh của ông Trump và Hiến pháp Mỹ không dung thứ cho một cuộc tấn công vào nền tảng của chính phủ.
Bà Bellows tuyên bố: “Tôi cũng kết luận rằng ông Trump đã nhận thức được khả năng xảy ra bạo lực và ít nhất ban đầu ủng hộ sử dụng bạo lực, vì ông ấy vừa khuyến khích bạo lực bằng những lời lẽ kích động và không có hành động kịp thời để ngăn chặn bạo lực”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump ngay lập tức phản đối quyết định của bang Maine. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử, ông Steven Cheung cho biết trong một tuyên bố: “Theo thời gian thực, chúng ta đang chứng kiến âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử và tước quyền bầu cử của cử tri Mỹ”.
Quyết định của bang Maine chứng tỏ Tòa án Tối cao Mỹ sẽ phải đưa ra phán quyết để nói rõ các bang khác có thể làm gì. Tòa án Tối cao Mỹ chưa bao giờ ra phán quyết về Mục 3 trong Tu chính án thứ 14.
Ông Rick Hasen, một giáo sư luật tại Đại học California-Los Angeles, đã bình luận về quyết định của bang Maine: “Khi chưa có hướng dẫn cuối cùng và mang tính quyết định từ Tòa án Tối cao Mỹ, rõ ràng là những quyết định kiểu này sẽ tiếp tục xuất hiện và đã có những quyết định không nhất quán, ví dụ như nhiều bang cho phép ông Trump tham gia tranh cử. Có vẻ như chắc chắn rằng Tòa án Tối cao Mỹ sớm hay muộn sẽ phải giải quyết vấn đề”.
Tuy nhiên, quyết định ở Maine dựa trên động lực được tạo ra sau phán quyết ở bang Colorado. Trước Colorado, một số bang khác như Michigan và Minnesota đã từ chối cấm ông Trump tranh cử.
Được phê chuẩn sau Nội chiến, Tu chính án thứ 14 quy định rằng các quan chức Mỹ tham gia nổi dậy không thể giữ chức vụ trong chính phủ trong tương lai. Nhưng điều khoản này rất mơ hồ và không nói rõ lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào.
Ông Trump phủ nhận hành vi sai trái liên quan đến vụ nổi dậy của người ủng hộ ngày 06/01/2021 và nói rằng những thách thức pháp lý là vô ích.
Trước đó, ngày 27/12, một Tòa án Cấp cao bang Michigan đã ra phán quyết bác bỏ kiến nghị loại ông Trump ra khỏi cuộc bầu cử sơ bộ của bang này, dự kiến diễn ra vào ngày 27/2/2024.
Phán quyết của tòa nêu rõ các thẩm phán đều cho rằng những nghi vấn mà bên nguyên đưa ra không cần phải được tòa xem xét lại. Như vậy, tên của ông Trump vẫn xuất hiện trên lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ bang Michigan.
Ông Trump đã hoan nghênh phán quyết trên của tòa án bang Michigan, cho rằng động thái đã ngăn chặn kế hoạch của phe Dân chủ trong việc loại bỏ ông trên cương vị ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này.
Tháng 9 vừa qua, một tổ chức vận động mang tên Free Speech For People đại diện một nhóm cử tri đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án bang Michigan. Trong đơn kiện, nhóm này đã viện dẫn Tu chính án số 14 đề nghị loại ông Trump khỏi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại bang này vì cho rằng cựu lãnh đạo Mỹ có liên quan đến cuộc bạo loạn xảy ra ở Đồi Capitol vào ngày 06/01/2021 và mưu toan thay đổi kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Ngoài vụ kiện ở bang Michigan, cựu Tổng thống Mỹ Trump còn đối mặt với các cáo buộc khác liên quan đến bầu cử tại bang Georgia. Tháng 6 vừa qua, ông đã phải trình diện tại tòa án ở Florida do liên quan cuộc điều tra ông lưu giữ trái phép tài liệu mật ở tư dinh sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Dự kiến, vào tháng 3/2024, ông Trump sẽ phải trình diện tại tòa án bang Washington với cáo buộc tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống hồi năm 2020 với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden.
Bất chấp những rắc rối pháp lý, cựu Tổng thống Trump vẫn dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây, ông Trump tiếp tục giành ưu thế vượt trội với tỷ lệ ủng hộ lên tới 61%. Trong khi đó, 2 đối thủ gần nhất là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley đều chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 11%.
THÙY DƯƠNG/TTXVN