/ Đời sống - Xã hội
/ Thêm nhiều tỉnh, thành bỏ yêu cầu giấy xét nghiệm khi đi lại

Thêm nhiều tỉnh, thành bỏ yêu cầu giấy xét nghiệm khi đi lại

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều tỉnh, thành phố đã bỏ quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính khi ra vào địa bàn.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Sơn La, tỉnh này chỉ yêu cầu người đến hoặc trở về Sơn La từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) khai báo y tế, quét QR Code theo quy định. Người đến/trở về từ vùng đỏ (cấp 4) phải khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Người đến từ vùng đỏ (cấp 4) kể cả tiêm 02 mũi vaccine ngừa Covid-19 hay khỏi bệnh Covid-19 trong 06 tháng thì vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 07 ngày và xét nghiệm 02 lần bằng test nhanh/RT-PCR, tuân thủ "5K" suốt quá trình trên.

Người đến/về từ vùng cam (cấp 3) thì khi tiêm đủ 02 mũi vaccine ngừa Covid-19 thì phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 07 ngày và tuân thủ "5K" trong suốt quá trình trên. Người chưa tiêm hoặc mới tiêm 01 liều vaccine thì tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 07 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm 02 lần bằng test nhanh/RT-PCR.

Tỉnh Sơn La cũng cho biết tỉnh này test nhanh/RT-PCR miễn phí với các trường hợp đến/trở về từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cho đến khi có thông báo mới.

Đối với tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh ngày 15/10 cũng đã có Công văn về việc điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người đến/về Bắc Giang từ các địa phương khác.

Đối với người đến/về Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, không áp dụng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh (trừ trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu…). Thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Các nội dung khác tạm thời thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5355/UBND-KGVX ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cho đến khi có hướng dẫn mới.

Khuya ngày 15/10, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn bắt đầu từ 00 giờ ngày 16/10. Theo đó, người dân từ các địa phương khác vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không phải xuất trình giấy xét nghiệm SARS-Cov-2 nhưng phải khai báo với Công an phường, xã, thị trấn nếu lưu trú qua đêm.

Cùng ngày (15/10), Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái cũng đã có văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19. Theo đó, người dân đến hoặc về tỉnh Yên Bái không phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, và không phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm dịch y tế. 

Trước đó, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chuyển trạng thái phòng chống dịch: Trách nhiệm và bản lĩnh”, tổ chức ngày 15/10. PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, người dân, địa phương để tham mưu Chính phủ ban hành "Quy định Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Theo đó, đại diện Bộ Y tế cho hay, thích ứng an toàn là chấp nhận có số lượng F0 nhất định trong cộng đồng. “Ở trạng thái bình thường mới, địa bàn có ca mắc trong cộng đồng song vẫn ổn định phát triển kinh doanh”, bà Hương nói.

Linh hoạt là các địa phương, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp khác nhau, miễn sao không làm trái với quy định của Chính phủ.

Kiểm soát hiệu quả Covid-19 là phát hiện sớm, khoanh vùng dịch bệnh (thu hẹp, khoanh vùng ổ dịch) để giảm tối đa sự ảnh hưởng đến người dân. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát diện rộng, địa phương phải lập tức báo cáo Bộ Y tế.

Hiện nay, các địa phương căn cứ vào tiêu chí trong hướng dẫn của Bộ Y tế, xếp loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp ứng phó phù hợp, thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Bà Hương nhắc lại, chỉ 03 nhóm người dân cần xét nghiệm khi đi lại là: Người đến từ địa bàn cấp 4; Người phải cách ly hoặc theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn cấp 3 cần điều tra dịch tễ. Ngoài ra, vận tải hàng hóa được lưu thông ở tất cả các cấp độ nguy cơ.

“Vì vậy, các địa phương phải cập nhật, đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã và thấp hơn để đảm bảo vận tải lưu thông, an toàn”, bà Hương cho biết.

Về việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL triển khai để mở cửa du lịch, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chuẩn bị đón khách quốc tế. Ngành y tế cũng đang thúc đẩy tiêm chủng cho toàn dân.

Cơ sở du lịch được hoạt động ở cả 04 cấp độ, chỉ bị hạn chế ở cấp 4. “Như vậy, Chính phủ, Bộ Y tế đã tạo điều kiện rất nhiều cho các ngành được hoạt động lại trong điều kiện dịch bệnh”, bà Hương nói.

Đầu tháng 10, lãnh đạo Chính phủ đánh giá dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Đến ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó phân loại 04 cấp độ dịch bệnh.

Hai ngày sau, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; đồng thời đề nghị các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

TRẦN QUÝ

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh báo cáo việc thu phí xét nghiệm Covid-19 trước ngày 18/10

Lê Minh Hoàng