Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An chủ trị phiên họp định kỳ tháng 3/2023.
Ngày 03/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47 thành lập thị xã Hoàng Mai trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Quỳnh Lưu, gồm 10 đơn vị hành chính 05 xã, 05 phường, dân số trên 105 nghìn người. Những năm đầu khi mới thành lập, thị xã gặp nhiều khó khăn, với điểm xuất phát thấp, trụ sở làm việc của cả hệ thống chính trị thị xã đều phải thuê mượn.
“Mới thành lập lại gặp cơn lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 10 gây ra năm 2013, cả thị xã nhấn chìm trong nước lũ. Sau lũ vừa tập trung khắc phục hậu quả, vừa giúp dân dựng lại nhà cửa bị sập, lũ cuốn trôi... khó khăn chồng chất khó khăn”, một lãnh đạo thị xã nói.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh Ủy Nghệ An Thái Thanh Quý trao Huân chương Lao động hạng 3, Cờ thi đua Chính phủ cho chính quyền và nhân dân thị xã Hoàng Mai.
Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, các sở, ban ngành, ngày 18/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Ban hành Nghị quyết số 11 về xây dựng phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đây là cơ sở xác lập quan trọng để Hoàng Mai bứt phá, phát triển và thay đổi nhanh diện mạo đô thị. Tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định tập trung chỉ đạo 05 mũi trọng điểm phát triển kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho 03 vùng trọng điểm để tạo thành các cực tăng trưởng, trong đó: Phát triển vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Để Nghị quyết trở thành hiện thực, phát triển toàn diện, bền vững, thị xã Hoàng Mai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia, triển khai thực hiện, nhờ đó kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày được nâng cao.
Với tư duy sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, hầu hết cán bộ, đảng viên thường xuyên xuống cơ sở, kiểm tra, theo dõi theo chuyên đề, chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, cùng dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc...nhờ đó tốc dộ tăng trưởng kinh tế của thị xã hàng năm tăng nhanh, bình quân đạt trên 14%/năm, năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã 14,51% từng bước khẳng định là một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) năm 2022 đạt 21,699 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2014, là địa phương có mức tăng quy mô giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 03 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của tỉnh.
Bí thư thị ủy Lê Trường Giang chúc mừng lớp Cao cấp lý luận chính trị.
Nhờ đổi mới trong thu hút đầu tư, từ năm 2014 đến nay, Hoàng Mai có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào thị xã, với tổng số vốn đăng ký trên 19 nghìn tỉ đồng. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân như: Tôn Hoa Sen, May Vinatex, May thêu Đông Á, Bánh kẹo Hải Châu II, Tổ hợp dịch vụ và Khách sạn Mường Thanh, Chợ Hoàng Mai... Đặc biệt, năm 2022 thị xã Hoàng Mai thu hút được các dự án đầu tư FDI lớn, đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng với mức đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD; Dự án sản xuất gia công giầy dép xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Lợi (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 65 triệu USD và một dự án vệ tinh ở khu Công nghiệp Hoàng Mai 1... Giá trị tăng thêm bình quân đầu người tăng nhanh, từ 31,75 triệu (năm 2014) tăng lên 74,9 triệu đồng/người/năm (năm 2022), tăng 43,15 triệu đồng, bằng 2,36 lần. So với bình quân chung của tỉnh là 51,43 triệu đồng, bằng 1,46 lần.
Toàn Cảnh thị xã Hoàng Mai.
Đáng nói, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm hẳn, từ 7,44% (năm 2014), giảm xuống còn 0,92% (năm 2021), đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo 2,09% theo tiêu chí mới (giảm 0,8%) vượt kế hoạch đề ra. Đây là kết quả bền vững của thị xã Hoàng Mai, được Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận đánh giá cao.
Thị xã Hoàng Mai còn làm tốt công tác An sinh xã hội, thường xuyên quan tâm, chăm lo đến hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Qua 10 năm đã vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và “Tết vì người nghèo” trên 31,6 tỉ đồng. Riêng từ năm 2019 đến nay, thông qua các cuộc vận động lớn, đã huy động nguồn kinh phí 11,185 tỉ đồng để sửa chữa, làm mới 453 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn.
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội được quan tâm, không ngừng được vươn lên. Chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm càng tăng. Năm 2021-2022, học sinh giỏi tỉnh Trường THPT Hoàng Mai giữ vị trí Nhất tỉnh.
Một góc về xây dựng Nông thôn mới tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.
Để đạt được những thành tích nổi bật đáng ghi nhận trên, Thị ủy, UBND thị xã Hoàng Mai luôn đổi mới về tư duy, năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm và giám chịu trách nhiệm trước dân; chăm lo công tác xây dựng Đảng, giáo dục, phát triển Đảng viên. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Thị xã đã có 35 đảng viên là cán bộ, công nhân viên chức lao động, quần chúng ưu tú được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đây hoạt động có ý nghĩa quan trọng đánh dấu mốc sự kiện 10 năm thành lập Thị xã, qua đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đối với công tác phát triển đảng viên.
Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Lê Trường Giang (đứng giữa) trao quà cho các đảng viên mới.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động được đào tạo cơ bản, nêu cao cao trách nhiệm, vì dân phục vụ. Đến nay trình độ cán bộ, công chức thị xã: chuyên môm đại học trở lên 99%; chính trị: Trung cấp trở lên 95%; cấp xã: chuyên môm đại học 91,5%. Hoàng Mại là một trong những địa phương về đích sớm về “Xây dựng nông thôn mới” của tỉnh.
Hiện Đảng bộ và chính quyền thị xã Hoàng Mai tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó tập trung thực hiện 03 vùng kinh tế trọng điểm: Phát triển vùng Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; Phát triển các Khu Công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi với các ngành chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu Kinh tế Đông Nam và Khu Kinh tế Nghi Sơn. Thu Hút đầu tư vào khu Công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu Công nghiệp Đông Hồi và tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị xã Hoàng Mai. Đây cũng là định hướng phát triển thị xã Hoàng Mai trong quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để tiếp tục tập trung thực hiện tốt 3 vùng kinh tế trọng điểm trên, thị xã Hoàng Mai quyết liệt thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá, phấn đấu hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2025. “Nhiệm vụ vụ trọng tâm trước mắt của thị xã là bám sát định hướng và quy hoạch của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục phát huy lợi thế vùng phụ cận, khu công nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh và thị xã Hoàng Mai khảo sát tại vùng kinh tế trọng điểm.
Hiện nay, thị xã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các khu vực, lĩnh vực kinh tế trọng điểm và mũi nhọn gắn với vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ; tiếp tục phát triển các lĩnh vực, ngành, sản phẩm sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, có biện pháp cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên... sớm xây dựng thị xã Hoàng Mai là cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An.
HỮU TRỌNG - THANH HUYỀN
Phú Thọ: Triển khai khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy bằng hình thức điện tử