(LSO) – Đây được coi là thỏa thuận lịch sử bởi hàng thập kỷ nay giữa Serbia và Kosovo tồn tại những tranh chấp về lãnh thổ, đặc biệt Serbia không thừa nhận sự độc lập của Kosovo.
Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo đã được kí kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau Hội nghị thượng đỉnh giữa Serbia-Kosovo kéo dài 2 ngày tại Washington D.C.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti đã kí một thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ kinh tế. Tại cuộc họp báo, Tổng thống Vucic đánh giá cao thỏa thuận này và cho rằng, đây thực sự là điều tuyệt vời, cam kết này sẽ là nền tảng và tạo nên sự ổn định trong khu vực.
Mặc dù vẫn còn những khác biệt giữa hai quốc gia nhưng ông Vucic khẳng định, đây vẫn là một bước tiến vượt bậc điều quan trọng là Serbia- Kosovo sẽ có một khu kinh tế thống nhất ở toàn bộ Tây Balkan. Serbia cũng sẽ chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel tới thành phố Jerusalem, đồng thời Kosovo và Israel đã đồng ý công nhận lẫn nhau. Serbia trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện sự di chuyển Đại sứ quán như vậy.
Thủ tướng Kosovo Hoti tin tưởng rằng, thỏa thuận ngày hôm nay về hợp tác kinh tế sẽ là một bước tiến gần hơn tới việc bình thường hóa quan hệ với Serbia, cùng với sự công nhận lẫn nhau. Ông khẳng định cam kết hợp tác để cải thiện cuộc sống của người dân hai nước.
Bộ trưởng Tài chính Serbia Sinisa Mali, người tham gia phái đoàn tới Washington cho biết, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế với Kosovo là “một thành công to lớn trong các cuộc đàm phán” và sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế toàn khu vực Balkan. Trong số các dự án quan trọng đã được thỏa thuận, Bộ trưởng tài chính Serbia nhấn mạnh, việc hoàn thành đường cao tốc từ Nis đến Pristina trị giá 1,1 tỉ euro và việc xây dựng lại tuyến đường sắt Nis-Pristina ước tính khoảng 1 tỉ euro sẽ do Chính phủ Mỹ tài trợ.
Sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn còn tồn tại những bất đồng về việc công nhận vùng lãnh thổ này. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo và hướng tới mục tiêu gia nhập EU.
Hiện nay, phần lớn các quốc gia phương Tây đã công khai công nhận nền độc lập của Kosovo, tuy nhiên, hai cường quốc là Nga và Trung Quốc tới nay vẫn từ chối nền độc lập này. Những tranh cãi về các vấn đề này là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn ở khu vực Balkan trong một thời gian dài vừa qua.
LÊ HÙNG (t/h)