/ Kinh tế - Pháp luật
/ Thời điểm chủ đầu tư dự án phải xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng

Thời điểm chủ đầu tư dự án phải xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng

18/05/2024 06:30 |

(LSVN) - Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ảnh minh họa. 

Bạn đọc hỏi: Tôi và một số hộ dân mua căn hộ tại một dự án nhà ở chung cư tại Hà Nội, đã chuyển về ở ổn định hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ cho chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến với chủ đầu tư, nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Vậy, việc chủ đầu tư không xuất hóa đơn cho chúng tôi có đúng quy định pháp luật không?. Hành vi đó có dấu hiệu có việc trốn tránh nghĩa vụ thuế không?. Pháp luật hiện nay xử lý hành vi trốn thuế như thế nào, đối với pháp nhân chịu những chế tài gì?

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nghĩa vụ xuất hóa đơn của chủ đầu tư dự ánđược quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CPnhư sau:“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”.

Đồng thời, Điều 9 của Nghị định này quy định: “Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. 

Như vậy, khi mua bán hàng hóa, người bán phải xuất hóa đơn ngay tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho người mua. Việc không lập hóa đơn hay lập hóa đơn sai thời điểm đều được coi là vi phạm quy định pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Đặc biệt, khi mua bán căn hộ, chủ đầu tư phải xuất hóa đơn ngay tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng căn hộ cho người mua. Việc chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ tới khách hàng nhưng chưa xuất hóa đơn là vi phạm quy định về hóa đơn và hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy theo giá trị căn hộ và tình tiết của vụ việc mà chủ đầu tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội "Trốn thuế".

Ngoài ra, về căn cứ tính thuế khi mua bán căn hộ chung cư, theo quy định tại Điều 2, Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, khi các bên tiến hành mua bán, chuyển nhượng, chủ đầu tư phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Căn cứ tính thuế bao gồm giá tính thuế và thuế suất, trong đó cơ sở để xác định giá tính thuế là giá bán hàng hóa chưa chịu thuế.

Như vậy, đối với trường hợp này, giá tính thuế làm căn cứ tính thuế mà chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước là giá trị mua bán căn hộ chung cư mà các bên thỏa thuận trên hợp đồng mua bán (chưa bao gồm thuế hay các chi phí khác).

Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định chi tiết về tội "Trốn thuế" như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

[…]

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Căn cứ theo khoản 1 Điều này, đối với cá nhân, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm  thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Đối với pháp nhân thương mại, điểm a khoản 5 Điều 200 quy định trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Tùy vào mức độ của hành vi mà pháp nhân thương mại còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

NGỌC ÁNH 

Đến 15/6 mua bán vàng không có hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép

Nguyễn Mỹ Linh