Theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh có nhiều điểm mới so với quy định trước đây.
Cụ thể, Thông tư đã bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.
Thông tư 14/2021/TT-BTC cũng quy định thời điểm người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh là:
- Đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
- Đề nghị cấp sổ ATA đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo quy định tại Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.
- Khi nộp đơn đề nghị cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Về các trường hợp được miễn thu phí, lệ phí, Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định như sau:
Thứ nhất, hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân (được miễn thuế trong định mức theo quy định); quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá từ 1 triệu đồng Việt Nam trở xuống hoặc có số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.
Thứ ba, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá hải quan dưới 500.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới mức 50.000 đồng cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ tư, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới trong định mức theo quy định.
Thứ năm, phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới được quản lý theo phương thức mở sổ theo dõi, không quản lý bằng tờ khai.
Thứ sáu, hàng hóa, phương tiện quá cảnh được miễn theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Theo quy định mới, cơ quan hải quan được phép để lại toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải cho các hoạt động tổ chức cung cấp dịch vụ, thu phí. Số tiền trên được sử dụng và quản lý theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ban hành ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Thông tư số 14/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2021 và thay thế cho Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.
TRÀ MY
Thông qua đề nghị quản lý hải quan hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử