/ Pháp luật - Đời sống
/ Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn của tài sản hạ tầng giao thông đường bộ

Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn của tài sản hạ tầng giao thông đường bộ

25/06/2022 01:13 |

(LSVN) - Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư 35/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định.

 

Theo đó, Thông tư quy định danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn của tài sản hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

- Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường, cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ, hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ: Thời gian sử dụng để tính hao mòn là 40 năm, tỷ lệ hao mòn 2,5% năm.

- Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; cầu phao và công trình phụ trợ; trạm kiểm tra tải trọng xe; trạm thu phí đường bộ có thời gian sử dụng để tính hao mòn là 20 năm, tỷ lệ hao mòn 5% năm.

-  Bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ có thời gian sử dụng để tính hao mòn là 25 năm, tỷ lệ hao mòn 4% năm.

Thông tư quy định rõ tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, o và p khoản 1 Điều 4 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn dưới đây là tài sản cố định: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định trên phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

Kế toán tài sản hạ tầng giao thông đường bộ phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại và hao mòn lũy kế của tài sản.

Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định đều phải tính hao mòn, trừ: Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ chưa tính hết hao mòn nhưng đã bị hư hỏng không thể sửa chữa để sử dụng được; tài sản hạ tầng giao thông đường bộ đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được.

Việc tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12 hàng năm, trước khi khóa sổ kế toán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/7/2022.

THU HƯƠNG

Đề nghị người dân ký giấy cam kết nếu không tiêm vaccine Covid-19

Loan B T Thanh