/ Thư viện pháp luật
/ Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là bao lâu?

Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là bao lâu?

11/10/2022 04:10 |

(LSVN) - Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định tại Điều 23, Thông tư 11/2022/TT-NHNN.

Ảnh minh họa.

Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Trong đó có nêu rõ quy định về thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, tại Điều 13, Thông tư 11/2022/TT-NHNN, ngân hàng thương mại có đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi:

- Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

- Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Thông tư 11/2022/TT-NHNN cũng quy định rõ riêng đối với bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chỉ phát hành theo hình thức thư bảo lãnh.

Theo đó, thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định tại Điều 23, Thông tư 11/2022/TT-NHNN này.

Điều 23. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh

Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh.

3. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, các bên liên quan khác (nếu có).

4. Cam kết bảo lãnh đã hết hiệu lực.

5. Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

6. Theo thỏa thuận của các bên.

7. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

Thông tư Thông tư 11/2022/TT-NHNN này có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.

NGUYỄN QUÝ

Trường hợp nào phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài?

Lê Minh Hoàng