Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 6, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020 quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ một số trường hợp sau đây có thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm:
- Vi phạm hành chính về kế toán, phí, lệ phí, hóa đơn;
- Vi phạm hành chính về quản lý giá, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, kinh doanh bảo hiểm;
- Vi phạm hành chính về xây dựng, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, năng lượng nguyên tử, đất đai, đê điều, quản lý, phát triển nhà và công sở;
- Vi phạm hành chính về xuất bản, báo chí;
- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, quản lý lao động ngoài nước.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu tính từ thời điểm phát hiện vi phạm.
Riêng vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính áp dụng theo quy định tại Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, vi phạm thủ tục thuế là 02 năm tính từ ngày người có thẩm quyền phát hiện nếu hành vi vi phạm đang được thực hiện hoặc tính từ ngày chấm dứt hành vi nếu vi phạm đã kết thúc.
- Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp/tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Tóm lại, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực không giống nhau. Tùy từng lĩnh vực, các vi phạm hành chính thường có thời hiệu xử phạt là 01 hoặc 02 năm. Trường hợp trốn thuế, khai sai thuế thì thời hiệu xử phạt cao nhất là 05 năm.
Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Bên cạnh các hình thức xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật... thì người thực hiện hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Biện pháp xử lý hành chính bao gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 7, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với cá nhân như sau:
- Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
+ 01 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 90, Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ 06 tháng kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 90, Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ 06 tháng kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 6, Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ 03 tháng kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 90, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:
+ 01 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 92, Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ 06 tháng kể từ ngày thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 92, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 94, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 96, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, Luật sư cho biết, theo Điều 7, Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì cá nhân, tổ chức được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, nếu trong 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì cá nhân được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
QUÝ VŨ