Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp tới Hội nghị về biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thưa Quý vị đại biểu,
Trái đất ngôi nhà chung của chúng ta đang bị rung chuyển mạnh mẽ do những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, sự phát triển, tồn vong của nhiều dân tộc, quốc gia bị đe dọa. Thách thức này như đang nặng nề thêm bởi sự lan tràn của Đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng khi chúng ta chung tay đoàn kết mở ra thập kỷ mới vì Ngôi nhà trái đất thân yêu, với những quyết tâm mạnh mẽ, các sáng kiến mới, tăng cường hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên Hợp Quốc.
Thưa Quý vị,
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Khu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc tích cực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cam kết tăng cường sức chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Chính phủ Việt Nam coi dựa vào người dân, sự chung tay hợp tác, hành động của mỗi người dân là nền tảng cho triển khai thắng lợi các chương trình, hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặc dù, Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng tiềm lực nền kinh tế hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia; trong giai đoạn 2021-2030 cần huy động thêm khoảng 35 tỷ USD. Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thưa Quý vị đại biểu,
Các thách thức của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng và trở nên khó kiểm soát, chúng ta cần khẩn trương hành động và tăng cường khả năng thích ứng ngay từ bây giờ. Vì vậy, tôi cho rằng:
Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tham gia của mọi người dân, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành và lĩnh vực trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thứ hai, thích ứng với biến đổi khí hậu cần gắn liền với phát triển bền vững, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ quốc tế giành cho các nước đang phát triển về tài chính và công nghệ phục vụ cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư và các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chuyển hóa những “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Trân trọng cảm ơn.
NGUYỄN XUÂN PHÚC
Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam