Diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden được đánh giá có những điểm nhấn đặc biệt, khẳng định “đoàn kết, hàn gắn để đưa nước Mỹ trở lại”.
Tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào thời điểm được nhận định là khó khăn nhất đối với một Tổng thống Mỹ kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1933. Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 hoành hành đến kinh tế suy giảm, bất bình đẳng, thất nghiệp, tệ nạn xã hội gia tăng. Đặc biệt, xung đột sắc tộc, đối kháng chính trị giữa các đảng phái ngày càng gia tăng khiến nước Mỹ bị phân hóa, chia rẽ sâu sắc chưa từng có.
Nhận thức rất rõ về vấn đề này, không phải ngẫu nhiên Tổng thống đắc cử Joe Biden và đội ngũ cố vấn đã lựa chọn “Nước Mỹ thống nhất” là chủ đề của lễ nhậm chức. Theo đó, diễn văn nhậm chức của ông Joe Biden sẽ chuyển tải một thông điệp xuyên suốt về việc cam kết “khôi phục linh hồn của nước Mỹ, hàn gắn đất nước để cùng đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt thế giới”.
Điều này cũng đã được ông Joe Biden khẳng định ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử đến khi được xác nhận là người giành chiến thắng: “Tôi sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, đại diện cho mọi người dân Mỹ gồm cả những người bỏ phiếu ủng hộ tôi hay phản đối tôi. Tôi muốn bảo đảm chắc chắn rằng tôi sẽ mang lại cho mọi người dân Mỹ niềm tin, hy vọng nước Mỹ sẽ vượt qua những mâu thuẫn, xung đột để cùng tiến lên phía trước”.
Đoàn kết, hàn gắn một nước Mỹ ngày càng chia rẽ cũng là vấn đề đang được cử tri Mỹ kỳ vọng sẽ là trọng tâm nhất quán của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Cử tri Mỹ cho rằng điều này sẽ có giá trị lớn hơn bất cứ những cam kết to tác nào trong thời gian tới.
Một người dân Mỹ bày tỏ: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất ông ấy cần làm là thúc đẩy đoàn kết, hàn gắn một nước Mỹ đang bị chia mảnh. Ông ấy cần mang đến niềm tin cho không chỉ những cử tri đã bỏ phiếu cho ông ấy mà cả những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Donald Trump”.
Trong bài phát biểu nhậm chức, tân Tổng thống Joe Biden sẽ chỉ ra những công việc ưu tiên trong những ngày đầu nắm quyền của ông, trong đó có chống đại dịch Covid-19, phân phối vaccine và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, xây dựng lại nền kinh tế...
Bước vào năm 2021, nước Mỹ ở một vị thế bấp bênh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vai trò cường quốc số 1 thế giới mà nước Mỹ mặc nhiên được thừa nhận trong hàng trăm năm qua đang chịu nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Trong nội bộ, hiếm có khi nào sự chia rẽ chính trị lại sâu sắc như hiện nay, khi hàng chục nghìn người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm tràn vào tòa nhà Quốc hội phản đối và ngăn cản việc thông qua kết quả bầu cử tổng thống. Điều này có nguy cơ sẽ làm suy yếu tính bền vững và sự ổn định của nền chính trị Mỹ hơn 200 năm qua từ ngày lập quốc. Đây có lẽ là thách thức đầu tiên và lớn nhất đang chờ đợi tân Tổng thống Joe Biden trong 4 năm tới.
Liên quan đến chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cựu Tổng thư ký tổ chức “Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương” (NATO) Andres Rasmussen trên kênh truyền Euronews hôm qua (19/1) nhận định ông Biden sẽ không thay đổi hoàn toàn chính sách đối với châu Âu của người tiền nhiệm.
Ông Rasmussen đưa nhận định này khi nói về quan hệ giữa Mỹ và châu Âu trong thời gian tới.
“Chúng ta không nên trông đợi về một mối quan hệ đồng minh truyền thống như dưới thời các tổng thống Barack Obama, George Bush hay trước nữa là Bill Clinton. Và cũng không nên kỳ vọng rằng mọi vấn đề giữa châu Âu và Mỹ sẽ được giải quyết dưới thời Tổng thống Joe Biden. Châu Âu nên đảm bảo các cam kết như nâng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP bởi ông Joe Biden sẽ thúc đẩy vấn đề này”.
Theo cựu Tổng thư ký NATO, ưu tiên của Mỹ trong thời gian tới sẽ là lấy lại vị thế và khả năng để đảm bảo an ninh cho các nền dân chủ phương Tây cũng như khôi phục trật tự thế giới như trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ gây sức ép để châu Âu dừng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với Nga và “Hiệp định Đầu tư toàn diện” với Trung Quốc.
ĐẶNG TUYÊN - MẠNH HÀ/VOV
Thái Lan phát 7 tỉ USD hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19