Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 21 điều.
Với lĩnh vực báo chí, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Đối với ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số để thống nhất, đồng bộ với các quy định thể hiện tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý một số điểm tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bổ sung một cách phù hợp và cân đối trong tổng thể chung các ngành, nghề, lĩnh vực cần được ưu đãi thuế liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ảnh minh họa.
Về mức thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (15%, 17%) như quy định trong dự thảo Luật, ông Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các mức ưu đãi này về cơ bản dựa trên Luật hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Đây là các mức ưu đãi khá phù hợp với phạm vi áp dụng tập trung cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong thời gian qua; đồng thời, hạn chế được tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Thảo luận về dự thảo Luật, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với đó cho ý kiến về một số nội dung quy định trong dự thảo Luật.
Đáng chú ý, liên quan đến mức thuế suất với báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, ngành báo chí, hiện đang đối mặt với sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng số, do đó bổ sung báo chí vào diện ưu đãi thuế sẽ giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí duy trì nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Theo đại biểu, báo chí không đơn thuần là ngành kinh doanh, mà còn thực hiện chức năng thông tin, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, phản biện chính sách, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị và phát triển văn hóa. Việc ưu đãi thuế thể hiện sự hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước, phù hợp với bản chất báo chí cách mạng. Nguồn lực tài chính từ giảm thuế có thể giúp cơ quan báo chí tái đầu tư trong hạ tầng, công nghệ, nâng cấp hệ thống, số hóa nội dung, đào tạo nhân sự, từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng, nội dung.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát định nghĩa "báo chí được hưởng ưu đãi", đồng thời quy định rõ phạm vi áp dụng chỉ là các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động, tránh bị lợi dụng bởi các tổ chức truyền thông trá hình. Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cần có quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo với báo chí; hỗ trợ cơ quan báo chí đạo tạo nhân lực công nghệ số.