/ Tin nổi bật
/ Thông qua Pháp lệnh về đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thông qua Pháp lệnh về đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

26/03/2022 07:39 |

(LSVN) – Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 10/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (dự thảo Pháp lệnh). Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp (TTUBTP) đã tiến hành khảo sát thực tế; trực tiếp làm việc với một số Thẩm phán, Giám đốc Trung tâm cai nghiện; đồng thời chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp và kết luận của UBTVQH.

Dự thảo Pháp lệnh cũng đã được xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngày 18/3/2022, TTUBTP đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để thống nhất các nội dung của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình UBTVQH thông qua. Về bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, TANDTC đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh về tác động xã hội, kinh tế, thủ tục hành chính và tác động về giới; đồng thời đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện hiện nay.  

Theo báo cáo, có một số cơ sở cai nghiện đã xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, xuống cấp, chưa hình thành các khu cai nghiện riêng biệt, độc lập, có tính đặc thù cho người chưa thành niên cai nghiện ma túy. Để khắc phục khó khăn này, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; nghiên cứu trình Chính phủ Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025; hoàn thiện và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, từng bước đáp ứng yêu cầu cai nghiện ma túy nói chung, đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nói riêng và bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn.  

Về phạm vi điều chỉnh và một số vấn đề liên quan, có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, TTUBTP đã rà soát, chỉnh lý Điều 1 dự thảo Pháp lệnh, làm rõ phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát. Theo đó, Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Có ý kiến đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục đối với đối tượng lang thang, cơ nhỡ, chưa xác định được cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp và nơi cư trú; làm rõ việc giải quyết đối với người nghiện ma túy là người nước ngoài. TTUBTP nhận thấy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì khi có hành vi vi phạm xảy ra, Công an cấp xã có trách nhiệm xác minh về nơi cư trú, cha mẹ, người thân của người nghiện ma túy, để giúp Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị. Nếu không xác minh được, Công an cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm lập hồ sơ đề nghị. Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh đã quy định việc xác minh nơi cư trú, cha mẹ,… của người nghiện ma túy và việc lập hồ sơ là trách nhiệm của Công an cấp xã. Tòa án chỉ giải quyết vụ việc khi nhận đủ hồ sơ.

Khi giải quyết vụ việc, nếu chưa có người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn Luật sư cử Luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng không xác định được nơi cư trú, cha mẹ… tương tự như đối tượng có nơi cư trú. Đối với người nước ngoài nghiện ma túy đang sinh sống tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy (khoản 2 Điều 37) nên cũng được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.

Có ý kiến đề nghị Pháp lệnh này phải thể hiện rõ tính đặc thù của đối tượng điều chỉnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, TTUBTP đã chỉnh lý tại các Điều 2, 10, 13, 16, 18, 21, 27, 39, 40... để thể hiện sâu sắc hơn tính đặc thù về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh này. Cụ thể là: Bổ sung nguyên tắc việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị (Điều 2); bổ sung quy định Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 10); mời chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường, đại diện UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để trình bày về những vấn đề có liên quan (Điều 18); phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; trong phiên họp, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hỗ trợ người bị đề nghị (Điều 21); người bị đề nghị được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Điều 27)…

Kết thúc Phiên họp, 100% các đồng chí trong UBTVQH đã thông qua thông dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

PV

Hà Nội nghiên cứu phương án bỏ ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm

Lê Minh Hoàng