/ Pháp luật - Đời sống
/ Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/3

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/3

04/03/2021 03:05 |

(LSVN) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/3/2021.

Ảnh minh họa. 

Hoàn thiện dự thảo chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với nội dung Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo quy định; thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 05/3/2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương gửi các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Bộ Tư pháp theo quy định.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phố Nối A

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) Phố Nối A mở rộng diện tích 92,5 ha.

Dự án trên do Công ty quản lý khai thác KCN Phố Nối A làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện tại xã Minh Hải, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm và thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư là 1.082 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan; tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai.

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và môi trường; cam kết đảm bảo góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Bổ sung KCN Đồng Sóc vào quy hoạch vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Đồng Sóc quy mô 208,5ha tại xã Vân Xuân, xã Vũ Di và thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.

Các KCN khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại các công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014, số 1815/TTg-KTN ngày 13/10/2015, số 1189/TTg-CN ngày 15/8/2017 và số 02/TTg-CN ngày 4/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch KCN Đồng Sóc; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, chỉ đạo cập nhật nhu cầu sử dụng đất của KCN Đồng Sóc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong khu vực dự án trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 49/NQ-CP; đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013.

Chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng các KCN Bá Thiện và Tam Dương II - khu A sớm xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tập trung thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN.

Thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư KCN Đồng Sóc theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các KCN trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, làm rõ nguyên nhân của việc chưa cập nhật đầy đủ diện tích quy hoạch phát triển các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Nghị quyết số 49/NQ-CP; trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh các quyết định đã ban hành, đảm bảo tổng diện tích quy hoạch phát triển các KCN phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp phân bổ cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện kiểm tra việc quy hoạch và thành lập KCN; cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN chậm triển khai; xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích KCN theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đối với KCN nằm trong quy hoạch nhưng không có khả năng triển khai. Áp dụng quy định của pháp luật để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/guyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN không có khả năng thực hiện.

Bổ sung quy định chuyển cửa khẩu hàng nhập tại cảng cạn Long Biên (Hà Nội)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg trong đó bổ sung quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn Long Biên, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg ngày 18/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội.

Theo đó, sửa đổi tên Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg thành: Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg ngày 18/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên thành phố Hà Nội.

Như vậy, Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg đã bổ sung quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn Long Biên thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cảng biển được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên để làm thủ tục hải quan là hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ), trừ hàng hóa là: tàu bay, du thuyền; xăng các loại; tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo danh mục do Bộ Công Thương quy định; phế liệu theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thời gian lưu giữ hàng hóa để hoàn thành thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên tối đa là 30 ngày kể từ thời điểm hàng về đến cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên trừ trường hợp hàng hóa phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, hoặc đang xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền.

Hàng hóa đã được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên thì không được chuyển tiếp đến các địa điểm khác để thực hiện thủ tục hải quan.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn ICD Mỹ Đình và doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn Long Biên, quyết định nêu rõ, chỉ cho phép đưa ra khỏi khu vực cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên các lô hàng đã được cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản hoặc địa điểm kiểm tra chuyên ngành theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hoặc lưu giữ trong cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên; định kỳ hàng tháng báo cáo với cơ quan hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi và vận chuyển đến về tình hình hàng hóa đã được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên.

Thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên thực hiện theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ 01/5/2021.

Triển khai Luật Biên phòng Việt Nam

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục đích xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương sẽ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong tháng 9/2021 trình Chính phủ 2 Nghị định: (1) Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 27); (2) Quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 2 Điều 22).

Trong tháng 9/2021, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới và Dự án Tăng cường lực lượng; nâng cao năng lực; sửa chữa, trang bị, nâng cấp phương tiện chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của bộ đội biên phòng giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng phải hoàn thành xây dựng 2 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tháng 11/2021: (1) Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc quyền trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; phối hợp giữa bộ đội biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 29); (2) Thông tư quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 3 Điều 19).

Rà soát quy định về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý rà soát, sửa đổi Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, sửa đổi Nghị định nêu trên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016.

Cụ thể, điều chỉnh Vùng I (Bắc sông Tiền) và Vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành một vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Bổ sung trạm bơm nước thô tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với công suất đến năm 2025 là 300.00 m3/ngày đêm, sau năm 2025 là 600.000 m3/ngày đêm.

Điều chỉnh hướng tuyến truyền tải nước sạch của Nhà máy sông Tiền 1, trong giai đoạn trước mắt 2020 - 2025 thành tuyến ống truyền tải nước thô cấp cho tỉnh Tiền Giang, một phần tỉnh Long An và tuyến ống truyền tải nước thô qua sông Tiền cấp cho tỉnh Bến Tre.

Điều chỉnh vị trí trạm bơm tăng áp phù hợp với vị trí lắp đặt các tuyến ống truyền tải nước thô gồm: Trạm bơm tăng áp ST1.1 đặt tại Thị xã Cai Lậy dịch chuyển theo tuyến ống truyền tải đặt dọc Đường tỉnh 864 (Tiền Giang) và trạm bơm tăng áp ST1.2 đặt tại thành phố Mỹ Tho trong phạm vi Nhà máy nước Đồng Tâm (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương rà soát, kiểm tra và điều chỉnh các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh phù hợp, đảm bảo tiết kiệm kinh phí; tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong vùng rà soát các dự án đầu tư nhà máy nước, phát triển cấp nước; từng bước hạn chế khai thác nước ngầm, thay thế bằng nguồn nước mặt để hạn chế sụt lún đất, ô nhiễm chất lượng nước ngầm.

LINH CHI(t/h)

TP. HCM: Không thu học phí trong thời gian ngừng đến trường nếu không triển khai học online

Admin