/ Thuật ngữ pháp lý
/ Thông tin đối ngoại góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

Thông tin đối ngoại góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

05/01/2021 18:07 |

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị, công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) đã không ngừng đổi mới từ nội dung đến phương thức thực hiện, nỗ lực đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín Việt Nam trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại Hà Nội, ngày 30/6/2019.

TẬN DỤNG HIỆU QUẢ CÁC SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ, ĐỐI NỘI, ĐỐI NGOẠI QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Bám sát những chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước trong tình hình mới, công tác TTĐN đã chủ động xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình từng giai đoạn cụ thể. 

Công tác TTĐN cũng bám sát, phát huy hiệu ứng lan tỏa từ các sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng, như các ngày lễ kỷ niệm, Đại hội XII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp; các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai như: APEC năm 2017, WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai năm 2019, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  nhiệm kỳ 2020-2021, cũng như các vấn đề đột xuất, nhạy cảm, mới nảy sinh để kịp thời định hướng thông tin đối ngoại.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại ga Đồng Đăng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về những thành tựu đạt được, những đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, tập trung vào các nội dung chính như: Thành tựu của Đảng, Nhà nước ta trên các lĩnh vực, trong đó có thành tựu đối ngoại; phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quyền con người; vai trò, đóng góp tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là vai trò kép năm 2020, gồm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên Không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021; kết quả, dấu ấn của Việt Nam qua các hoạt động đối ngoại quốc hội, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân và ngoại giao văn hóa; về chủ trương và kết quả hợp tác kinh tế quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước.

Bạn bè quốc tế chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu cao kỷ lục 192/193, ngày 7/6/2019.

PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP, XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH, PHỨC TẠP

Nhằm tăng cường tính đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, định hướng các vấn đề liên quan tới thông tin đối ngoại. Các cơ chế phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin như giao ban Ban Chỉ đạo, giao ban Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, báo cáo nhanh, báo cáo chuyên đề,... được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, đảm bảo việc định hướng thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, thống nhất, đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian xây dựng báo cáo, tài liệu tuyên truyền.

Công tác phối hợp còn được thể hiện rõ nét trong công tác tham mưu xử lý các vấn đề quan trọng, đột xuất nhạy cảm, như vấn đề Biển Đông, các vấn đề liên quan tới dân chủ, nhân quyền, những vấn đề “nóng” được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, như vụ việc Formosa, dự luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, Đồng Tâm, nhóm tàu HD8 của Trung Quốc... Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong cung cấp, chia sẻ thông tin, tham mưu các biện pháp thông tin đối ngoại, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tác nước ngoài. Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, kích động hòng chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị.

Công tác thông tin đối ngoại tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới nội dung và phương thức, tích cực góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với sự đổi mới của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các lực lượng TTĐN đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức triển khai. Trước hết, là vai trò của các cơ quan tham mưu trong công tác dự báo, tham mưu sớm các kế hoạch, kịch bản TTĐN đối với các sự kiện chính trị, đối nội, đối ngoại quan trọng do Việt Nam tổ chức và phối hợp tổ chức. Phát huy hiệu quả vai trò hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tận dụng được hiệu ứng truyền thông của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông. Đa dạng hóa các phương thức thông tin đối ngoại, theo đó mỗi cơ quan, ban, bộ ngành đều là một lực lượng trên mặt trận thông tin đối ngoại. 

MỘT SỐ DẤU ẤN NỔI BẬT

Ngay từ đầu năm 2016, tranh thủ sự quan tâm của cộng đồng và truyền thông quốc tế đối với Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, trong đó có mở trung tâm báo chí và tổ chức họp báo trong nước và quốc tế. Kết quả là Đảng ta đã nhận được 252 điện chúc mừng từ các đảng trên thế giới; cho phép hơn 700 phóng viên ở trong nước và quốc tế đăng ký đưa tin về Đại hội. Trong dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, Đảng ta cũng đã nhận hơn 90 điện chúc mừng của các đảng trên thế giới. Nội dung các bức điện đều thừa nhận và đánh giá vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị; mong muốn phát triển quan hệ với Đảng ta; đánh giá cao những đóng góp, sáng kiến thúc đẩy đoàn kết quốc tế của Đảng ta tại các diễn đàn đa phương chính đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải. 

Phát huy tính chủ động, đối với các hoạt động dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng và Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng thông tin, tuyên truyền đã được nghiên cứu, tham mưu và triển khai từ sớm. Đặc biệt là việc thông tin về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bảo đảm chủ động, chặt chẽ, kịp thời; được tổ chức tốt hơn về quy mô, nội dung, hình thức, mức độ, hiệu quả; được dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, đồng thời không để ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; góp phần đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc các vấn đề liên quan tới biên giới, lãnh thổ của Việt Nam.

Đối với việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (từ tháng 7 đến tháng 10/2019), bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác tuyên truyền và thông tin đối ngoại được triển khai đồng bộ trên tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc hội, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại nhân dân. Với các biện pháp chủ động, đồng bộ, các lực lượng của ta đã phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tạo sức lan tỏa, tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn xã hội đối với vụ việc. Ta đã vận động, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều đối tác, bạn bè quốc tế góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao và dư luận nhằm kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đối với công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, công tác tuyên truyền và TTĐN được triển khai phù hợp với đặc điểm thực tiễn của từng tuyến biên giới. Đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, tập trung vào các văn bản pháp lý về quản lý biên giới, cửa khẩu, công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tập trung tuyên truyền vừa tiếp tục duy trì quản lý theo đường biên giới quản lý thực tế vừa hỗ trợ công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, nhất là phục vụ việc pháp lý hóa thành quả phân giới, cắm mốc hai nước đã đạt được. Đồng thời, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, quan điểm xuyên tạc về các vấn đề liên quan biên giới trên đất liền của Việt Nam với các nước láng giềng.

Phát huy hiệu ứng lan tỏa của các sự kiện quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai và chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (2019), công tác TTĐN đã góp phần đưa Việt Nam trở thành “tâm điểm” của truyền thông quốc tế với hàng chục ngàn tin bài, phóng sự trên báo chí, sản phẩm thông tin trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông khác. Nội dung thông tin đa dạng, phong phú, song tập trung thể hiện được cách tiếp cận đa phương và vai trò tích cực của Việt Nam đối với sự kiện; khẳng định hình ảnh về một “Việt Nam hiếu khách, tổ chức chu đáo Hội nghị nhưng vẫn thể hiện rõ lập trường của nước độc lập, mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”, Thủ đô Hà Nội “văn minh, thanh lịch, thân thiện”... 

Công tác TTĐN cũng góp phần quan trọng chuyển tải thông điệp tích cực về những nỗ lực, kết quả việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép năm 2020, với tinh thần chủ động, những kịch bản và giải pháp cụ thể. Kết quả là các nước trong và ngoài HĐBA đều đánh giá “Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 một cách bài bản, minh bạch và hiệu quả”. Dư luận chính giới, học giả và báo chí quốc tế có nhiều bình luận, đánh giá tích cực về đóng góp của Việt Nam tại HĐBA, trong đó có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của LHQ, cộng đồng quốc tế, cũng như nỗ lực, sáng tạo của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc triển khai nhiều hoạt động đối ngoại phù hợp nhằm tăng cường sự đoàn kết, tương trợ trong nội khối cũng như với các đối tác để đối phó với đại dịch Covid-19; nêu bật chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, nhất là thông qua Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.

Gần đây nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây nhiễm nhanh, gây ra những hậu quả nặng nề khắp thế giới, công tác TTĐN đã bám sát tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chủ động tham mưu chỉ đạo định hướng TTĐN từ rất sớm. Qua đó, đã phản ánh kịp thời về tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân; tinh thần nhân văn, tương thân tương ái trong cộng đồng; sự chủ động, công khai, minh bạch, sẵn sàng phối hợp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nước trong ứng phó với dịch bệnh. Với sự tham mưu của Ban Chỉ đạo về phát huy phương châm “quốc tế nói về Việt Nam”, đã có hàng ngàn nhận định, đánh giá, ca ngợi công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện hình ảnh, giá trị nhân văn, giá trị Việt Nam; thể hiện vai trò, vị thế, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong đối phó với thách thức toàn cầu từ chính giới, học giả, các phóng viên quốc tế, đặc biệt là những người nước ngoài được Việt Nam chữa trị. Các nhận định được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế là minh chứng rõ nét nhất thể hiện kết quả của sự đổi mới, sáng tạo, tinh thần chủ động trong triển khai công tác TTĐN thời gian qua.

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, bên cạnh nhiều cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đất nước. Phát huy các thành tích đã đạt được, trên cơ sở những thành tựu quan trọng của đất nước sau gần 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, thời gian tới, công tác TTĐN tập trung vào các nội dung chính sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và thông tin đối ngoại, trong đó có các Nghị quyết liên quan của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và lần thứ XIII.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp, nghiên cứu, tham mưu với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tốt công tác TTĐN trong giai đoạn mới. Chỉ đạo, định hướng các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch, hướng dẫn TTĐN đã được phê duyệt. 

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các sự kiện chính trị, đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước; tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong phát triển và hội nhập quốc tế, những sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương; đưa tin, tuyên truyền các sự kiện quốc tế kịp thời, khách quan, trung thực, coi trọng tính hướng dẫn nhận thức, định hướng dư luận xã hội về các vấn đề quốc tế liên quan, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và bảo hộ công dân. 

Tổ quốc nhìn từ biển.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức, phương thức tuyên truyền; tăng cường áp dụng các phương thức truyền thông mới và thông tin bằng tiếng nước ngoài; hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, văn hóa, thông tin, báo chí Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tranh thủ phóng viên nước ngoài đưa tin, viết bài, làm phóng sự về Việt Nam, nhất là về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…

Năm là, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về TTĐN cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương và quần chúng nhân dân. Đầu tư, nâng cấp và đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, góp phần nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm truyền thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch.

Sáu là, tiếp tục triển khai mở rộng các lĩnh vực của Giải thưởng toàn quốc về TTĐN, động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân, các đơn vị làm công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại.

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng và chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, công tác TTĐN tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới nội dung và phương thức, tích cực góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, chúng ta có cơ hội to lớn để khẳng định “Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch”, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

BÙI TRƯỜNG GIANG/TUYÊN GIÁO.VN

/tu-0h-ngay-1-8-ha-noi-bat-dau-tam-dung-tat-ca-quan-bar-karaoke-de-phong-dich-covid-19.html