/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Thụ lý vụ án theo pháp luật tố tụng triều Nguyễn

Thụ lý vụ án theo pháp luật tố tụng triều Nguyễn

30/10/2021 16:35 |

(LSVN) – Các quan khi nhận đơn thưa kiện phải làm rõ vụ việc, nhanh chóng thụ lý. Nếu quan bỏ qua thì sẽ bị trừng phạt căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Ảnh minh họa.

Để giảm bớt các vụ kiện, nhà làm luật đã đặt ra những điều kiện không chỉ liên quan đến hình thức, đơn kiện hay tư cách của nguyên đơn, mà còn liên quan đến cả văn bản của đơn kiện.

Trong thủ tục của Tây phương, theo một nguyên tắc căn bản, “ai không có quyền lợi thì không có tố quyền". Dưới một hình thức khác, cổ luật Việt Nam cũng đã chấp nhận một nguyên tắc tương tự như vậy. Quá trình thụ lý hồ sơ vụ án chủ yếu liên quan đến nha môn mà người đại diện là quan chức chính quyền. Nhiệm vụ đầu tiên của nha môn là xét ngay các chứng cứ, hay tang vật, xem đơn kiện có đáng thụ lý hay không.

Theo Điều 308 Luật Gia Long: “Các quan khi nhận đơn thưa kiện phải làm rõ vụ việc, nhanh chóng thụ lý. Nếu quan bỏ qua thì sẽ bị trừng phạt căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc".

Cụ thể, khi việc đáng thụ lý mà quan không thụ lý thì tùy theo vụ việc sẽ bị tội như sau:

- Nếu được báo về các việc ẩu đả, mạ lỵ, hộ hôn, điền trạch mà quan không thụ lý thì bị xử từ 60 trượng đến 80 trượng.

- Nếu được báo về tội giết người, bạo trộm, xâm hại đến tính mạng, tài sản mà quan không thụ lý thì bị xử phạt 80 trượng.

- Nếu được báo về việc ác nghịch như cháu con mưu giết ông bà cha mẹ mà quan không thụ lý thì phạt 100 trượng.

- Nếu được báo về việc mưu phản, mưu đại nghịch mà quan không thụ lý, không sai bắt dẹp ngay thì bị xử phạt 100 trượng đồ 3 năm. Nếu việc lại xảy ra thì bị xử chém giam chờ.

Bộ luật còn dự liệu một số trường hợp vi phạm của các quan trong quá trình thụ lý hồ sơ như cố ý kéo dài vụ kiện, quan nhận hồi lộ và không thụ lý, đều bị xử theo điều nặng (Điều 312, 345 của Luật Gia Long). Nếu để chậm trễ, nhầm lẫn, thêm bớt thì quan ty đương sai ở đó đều phải bị tội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét xử sơ thẩm được quy định tại Chương XXI của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong đó, trách nhiệm của Toà án khi thụ lý hồ sơ, trách nhiệm của Thẩm phán chủ toạ phiên toà được phân công giải quyết vụ án, việc giải quyết các yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên toà được quy định rất cụ thể.

Theo đó, khi Viện Kiểm sát giao cáo trạng, hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có), Toà án có trách nhiệm:

- Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;

- Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Toà án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Toà án phải phân công Thẩm phán chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án.

CẨM NGỌC

Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn

Lê Minh Hoàng