Ảnh minh họa.
Freelancer là gì?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, freelancer là những người làm việc một cách độc lập, tự do, được trả tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của khách hàng, chủ dự án mà không có sự ràng buộc về thời gian hay địa điểm làm việc cụ thể. Thời gian thực hiện công việc hoặc một dự án nào đó đối với freelancer thường diễn ra ngắn hạn, có thể là vài ngày, vài tuần.
Đúng như tính chất “free” trong tên gọi, những người làm freelancer được làm việc tự do cho nhiều khách hàng khác nhau cùng một lúc, miễn là hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Thông thường hoạt động giao dịch giữa freelancer và khách hàng sẽ diễn ra trên internet, có thể thông qua website giới thiệu của freelancer, hoặc một trang trung gian chuyên cung cấp dịch vụ freelancer.
Làm freelancer có yêu cầu bằng cấp không?
Theo Luật sư, hiện nay không có quy định nào của pháp luật yêu cầu freelancer phải có bằng cấp thuộc lĩnh vực công việc mà mình đang thực hiện. Có nhất định phải có bằng cấp hay không còn phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, chủ dự án.
Tuy nhiên, bằng cấp cũng không nói lên tất cả năng lực của một người, thậm chí có người có bằng cấp nhưng khả năng thực hành lại kém. Do đó, khi tìm kiếm các freelancer thực hiện công việc hay dự án, khách hàng thường ưu tiên những người có kinh nghiệm làm việc.
Làm việc freelance thì có phải ký hợp đồng lao động?
Freelance là một hình thức làm việc tự do, không ràng buộc phải làm việc cho bất kỳ một công ty hay tổ chức nhất định.
Bản chất của freelancer là nhận tiền để thực hiện các nhiệm vụ cho các chủ dự án, khách hàng, những người sử dụng lao động tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không phải chịu ràng buộc, giám sát, quản lý, điều hành của người đó.
Trong khi đó, theo khoản 1, Điều 13, Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Dù mang tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Nếu ký hợp đồng lao động, người lao động buộc phải tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động, chấp hành nội quy lao động mà người sử dụng lao động đề ra.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với bản chất của công việc freelancer. Do đó, các bên sẽ không ký hợp đồng lao động mà phải ký một loại hợp đồng khác để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Làm việc freelance ký hợp đồng dịch vụ được không?
Dù không ký hợp đồng lao động nhưng các freelancer không nên làm việc mà không có văn bản thỏa thuận nào ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Căn cứ các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể thấy, bản chất của công việc freelancer phù hợp nhất với loại hợp đồng dịch vụ.
Cụ thể Điều 513, Bộ luật Dân sự quy định về hợp đồng dịch vụ như sau:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Đối tượng của hợp đồng này là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, một bên có trách nhiệm thực hiện công việc, một bên có trách nhiệm trả tiền.
Tuy nhiên với hợp đồng dịch vụ, bản thân người làm công việc freelancer có thể tự do thực hiện công việc và bàn giao cho bên kia sau khi đã hoàn thành để nhận tiền cung cấp dịch vụ.
Freelancer có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Nhà nước đang tổ chức hai hình thức bảo hiểm xã hội (BHXH) là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, theo khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, BHXH bắt buộc chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã…
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH thì có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Với việc chỉ ký hợp đồng dịch vụ, những người làm nghề freelancer sẽ không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, thay vào đó, có thể đăng ký đóng BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, các freelancer sẽ được hưởng 02 chế độ bao gồm hưu trí và tử tuất. Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi về già.
Freelancer có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Khi bắt đầu nhận một công việc freelance, ngoài vấn đề tiền lương, bạn cũng cần chú ý đến một số thủ tục pháp lý trong đó có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân.
Thông thường khoản thuế này sẽ được phía doanh nghiệp khấu trừ trực tiếp vào thù lao thực hiện công việc của bạn. Bởi điểm i, khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: "Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2, Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Theo đó, các freelancer sẽ phải trích 10% thù lao để đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỉ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì bạn có thể làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Cuối năm cá nhân sẽ phải thực hiện quyết toán thuế với Chi cục thuế.
HOÀNG VŨ