Ô tô vào nội đô Hà Nội có thể phải mất phí đến 100.000 đồng mỗi lượt.
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” hay gọi tắt là “phí giảm ùn tắc giao thông” là đề xuất, nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo đề án, “phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước để điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cần thiết đi vào vùng thu phí; đồng thời, khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Đối tượng thu phí bao gồm: Các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công vụ, xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...).
Bên cạnh đó, các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: Xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.
Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi,...).
Phạm vi thu phí căn cứ trên các nguyên tắc: Là khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện cho các phương tiện giao thông không cần đi vào khu vực thu phí có điều kiện thuận lợi để vòng tránh và đi qua địa bàn thành phố một cách thuận lợi; khu vực có điều kiện để tổ chức xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí, ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc giao thông tại điểm thu phí.
Căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.
Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ô tô các tỉnh, thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
Trên cơ sở tính toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…), dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt xe.
Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng/lượt xe.
Như vậy, mức phí sẽ được xác định trong khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt xe. Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND thành phố (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.
Phí chồng phí
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, đối chiếu với quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 3 Luật Phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, phí được quy định là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
Tra soát theo danh mục đính kèm, “Phí vào nội đô”, “phí hạn chế phương tiện vào trung tâm thành phố” hay được một số người gọi là “phí ùn tắc giao thông” không nằm trong danh mục được quy định tại luật này.
Tuy nhiên, theo nội dung tại Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội thì HĐND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố một số khoản phí phù hợp với đặc điểm của thành phố, trong đó có Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Việc áp dụng thu thêm loại phí này có nguy cơ gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dẫn cũng như loạn phí, phí chồng phí, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho người dân bởi trước đó, người dân đã đóng rất nhiều các loại thuế, phí khác liên quan đến ô tô như: Thuế nhập khẩu ô tô, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, đăng kiểm, phí giao thông đường bộ, phí cầu đường… Đặc biệt là đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải, nên cần tính toán kỹ lưỡng mức phí sao cho phù hợp thực tế (nhu cầu đi lại, thu nhập…) cũng như phù hợp với quy định của pháp luật.
Hạ tầng kém
Luật sư Tú cho rằng, việc thu phí này do chưa được quy định cụ thể rõ ràng tại các văn bản pháp luật nên có thể sẽ dẫn tới việc lạm thu, không công khai, minh bạch.
"Trên thực tế, việc thu phí này trong thời điểm hiện nay là không thực tế và thiếu tính khả thi bởi đề xuất trên được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước ngoài, nhưng các nước này là những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển và đồng bộ, người dân có nhiều sự lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp cũng như khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Nói đến Hà Nội, hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, còn nhiều bất cập, chưa được áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới nên việc áp dụng cùng một phương pháp vào hai điều kiện, cơ sở hạ tầng khác nhau thì khó mà khả thi. Do đó cần tiếp xúc xem xét, nghiên cứu toàn diện đưa ra những giải pháp khác thực tế hơn để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông", Luật sư Tú bày tỏ quan điểm.
Trước đó, chiều 30/10, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã thông tin chính thức về đề án này. Về lộ trình thực hiện, Giám đốc Sở cho biết HĐND thành phố sẽ họp, nghiên cứu thông qua đề án tại kỳ họp cuối năm 2021. Giai đoạn 2022-2023 Sở sẽ hoàn thiện điều kiện, xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Năm 2024, đơn vị liên quan sẽ trình HĐND thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và chính sách miễn giảm sau khi HĐND thành phố quyết định.
“Việc thu phí chỉ khả thi khi đã đáp ứng được điều kiện về xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến thu phí. Đảm bảo số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông", lãnh đạo ngành giao thông vận tải Hà Nội nói.
HỒNG HẠNH
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói gì về đề án 'phí giảm ùn tắc giao thông'?