(LSVN) – Luật Bảo vệ môi trường đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều 17/11 với 91,91% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong đó, điểm nổi bật là thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng.
Chiều 17/11, với 443 Đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 91,91% tổng số Đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật Bảo vệ môi trường có 16 chương với 171 Điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Luật quy định, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác.
UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác có khả năng tái sử dụng được chuyển giao cho các đơn vị phù hợp; rác thực phẩm và loại khác được chứa trong bao bì theo quy định, chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu rác chưa được phân loại và không dùng bao bì đúng quy định; thông báo đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí.
Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác phát sinh.
Các quy định về thu phí xử lý rác sinh hoạt được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác… UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí.
Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau: a) Dựa trên lượng chất thải đã được phân loại; b) Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý; d) Chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác theo nguyên tắc phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với khu vực đô thị và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội đối với các khu vực nông thôn. 3. Kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khác. 4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 76 Luật này thì phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. 5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. 6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2025. |
Chia sẻ thông tin thêm về Luật này, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là một đạo luật lớn, khó, nhiều cải cách đột phá và gần như thay thế toàn diện và cơ bản so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Luật lần này đã xác định song song với nhiệm vụ cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường thì phòng ngừa, kiểm soát là nhiệm vụ ưu tiên; không cho các dự án đầu tư mới làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường.
Để làm được như vậy, vấn đề môi trường được xem xét ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển với quy định về đánh giá môi trường chiến lược; từ khâu lập dự án đầu tư với quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường, rồi đến đánh giá chính thức, cấp giấy phép và trong suốt cả quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau này như vấn đề quan trắc, xử lý chất thải.
Ông cũng cho hay: "Hiện nay tỉ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt còn cao dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt cao là do chúng ta không thực hiện phân loại rác tại nguồn. Luật đã quy định rác thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý tương ứng đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại."
Đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia. Trước lo ngại về tính khả thi của quy định này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế tính giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lần này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại tại nguồn, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn và nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.
Phân loại rác thải giúp tạo nguồn cung quan trọng cho ngành công nghiệp tái chế và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy việc tính giá này có thể dựa trên giá bán bao bì đựng rác. Nghĩa là chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý đã được tính trong giá bán bao bì đựng rác do chính quyền địa phương quyết định.
Riêng rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ để phù hợp với điều kiện nông thôn nước ta.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022.
TRÀ MY