Thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

04/01/2018 09:22 | 6 năm trước

LSVNO - Thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu tiên của quá trình chứng minh. Để bảo đảm cho chứng cứ thỏa mãn tính khách quan, liên quan và hợp pháp, việc thu thập chứng cứ phải được thực hiện đúng trình...

LSVNO - Thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu tiên của quá trình chứng minh. Để bảo đảm cho chứng cứ thỏa mãn tính khách quan, liên quan và hợp pháp, việc thu thập chứng cứ phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Một số vấn đề về thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự

Quá trình chứng minh vụ án hình sự phải trải qua những giai đoạn khác nhau. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về các giai đoạn (các bước) của quá trình chứng minh, mỗi quan điểm đều dựa trên một cơ sở lý luận, cách thức phân chia cụ thể. Tuy nhiên, có thể khẳng định: quá trình chứng minh chỉ bao gồm ba giai đoạn: thu thập chứng cứ, kiểm tra chứng cứ và đánh giá chứng cứ[1]. Như vậy, thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu của quá trình chứng minh vụ án hình sự. Kết quả của hoạt động thu thập chứng cứ có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Do vậy, hoạt động này cần phải được tiến hành một cách khách quan, thận trọng theo đúng quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Tội phạm xảy ra bao giờ cũng để lại các dấu vết trong thế giới khách quan dưới các hình thức vật chất hoặc phi vật chất. Để chứng minh tội phạm thì phải thu thập các dấu vết để lại. Thu thập chứng cứ chính là việc cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp và phương pháp theo quy định của pháp luật để phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản những tài liệu, đồ vật, thông tin,… liên quan để phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Thu thập chứng cứ chính là tổng hợp các hành vi phát hiện, thu giữ, ghi nhận và bảo quản chứng cứ[2].

Phát hiện chứng cứ là tìm ra những sự vật, hiện tượng, dấu vết, tài liệu… có liên quan đến vụ án. Thực tiễn cho thấy, mỗi vụ án đều có những biểu hiện khác nhau, các tình tiết khác nhau, do đó đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền cần phải sử dụng các phương pháp, biện pháp phù hợp với quy luật hình thành, vận động của từng loại chứng cứ.

Thu giữ chứng cứ là hoạt động được tiến hành sau khi đã phát hiện được chứng cứ và là nguồn chứng cứ để phục vụ cho việc chứng minh tội phạm hay nói cách khác là thu và tập hợp các chứng cứ đã được phát hiện để chứng cứ có giá trị chứng minh. Yêu cầu đặt ra phải bảo đảm mang tính khoa học, vì chứng cứ có thể bị tiêu hủy và không còn giá trị chứng minh. Cùng với đó, việc thu giữ phải bảo đảm đúng theo thủ tục pháp luật quy định, vì nếu không sẽ không bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ.

Ghi nhận chứng cứ là việc lập biên bản mô tả, ghi chép những thông tin, tài liệu, đồ vật... đã được phát hiện và thu giữ. Hình thức thể hiện của hoạt động này thường là biên bản tố tụng, như: biên bản hỏi cung bị can, biên bản lấy lời khai của người làm chứng, biên bản định giá tài sản... Ngoài ra, ghi nhận chứng cứ còn có thể được thể hiện bằng hình thức khác như: bản ảnh, sơ đồ hiện trường, bản kết luận giám định...

Bảo quản chứng cứ là hoạt động áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ, giữ gìn tính nguyên vẹn của chứng cứ, không để mất mát, hư hỏng hoặc làm thay đổi những thông tin có giá trị chứng minh. Chứng cứ ghi nhận trong các biên bản tố tụng được bảo quản lưu giữ trong hồ sơ vụ án. Đối với vật chứng phải được bảo quản ngay từ khi phát hiện, thu giữ theo quy định của BLTTHS cho đến khi có quyết định xử lý có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong từng giai đoạn tố tụng, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác nhau theo quy định của pháp luật. Căn cứ các quy định của BLTTHS 2003 có thể nhận thấy:

- Đối với giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết có liên quan đến việc xác minh, làm rõ tin báo về tội phạm…

- Đối với giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra thường áp dụng nhiều biện pháp thu thập chứng cứ được pháp luật tố tụng hình sự quy định để phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Đây là giai đoạn có vai trò quan trọng trong việc thu thập chứng cứ. Trong giai đoạn này, những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

- Giai đoạn truy tố, viện kiểm sát tiến hành thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ những vấn đề cần phải chứng minh mà cơ quan điều tra chưa làm rõ. Trong trường hợp cần thiết, viện kiểm sát có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

- Giai đoạn xét xử, tòa án dựa vào các chứng cứ được thu thập ở giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố được kiểm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra bản án, quyết định. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được thì thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung. 

Ảnh minh họa.

Quy định của BLTTHS 2015 về thu thập chứng cứ

Điều 88 BLTTHS 2015 quy định:

“1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này”.

So sánh với quy định tại Điều 65 BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 đã bổ sung và hoàn thiện các quy định về thu thập chứng cứ. Căn cứ vào Điều 88 BLTTHS 2015, hoạt động thu thập chứng cứ được thể hiện bằng các hình thức sau:

Hình thức chủ động: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ là triệu tập người biết việc về vụ án để nghe họ trình bày, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm, yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các hoạt động điều tra khác.

Lần đầu tiên BLTTHS 2015 quy định người bào chữa cũng là chủ thể có thẩm quyền chủ động thu thập chứng cứ. Người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Hình thức thụ động: Người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án. Với hình thức này, lần đầu tiên BLTTHS 2015 đã quy định tại phiên tòa, bị cáo được quyền hỏi bị cáo khác, bị hại, người làm chứng và các đương sự về các vấn đề liên quan đến bị cáo[3].

Dù theo hình thức nào thì các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án cũng phải được thu giữ và đưa vào hồ sơ vụ án bằng hình thức tố tụng xác định. Thông thường, các hoạt động thu thập chứng cứ được ghi nhận bằng biên bản hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS.

Thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu tiên của quá trình chứng minh. Để bảo đảm cho chứng cứ thỏa mãn tính khách quan, liên quan và hợp pháp, việc thu thập chứng cứ phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS. Chỉ được áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ chung được quy định tại Điều 88 BLTTHS 2015. Đồng thời, việc thu thập vật chứng phải tuân thủ Điều 105 BLTTHS 2015; thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử phải tuân thủ Điều 107 BLTTHS 2015. Khi thu thập chứng cứ cụ thể phải tuân thủ các trình tự, thủ tục quy định đối với các hoạt động tố tụng tương ứng.

Để bảo đảm xây dựng một thủ tục tố tụng tư pháp minh bạch, dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người và thực hiện các nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, BLTTHS 2015 đã có những quy định mới về thu thập chứng cứ, cụ thể là:

- Chủ thể thu thập chứng cứ đã có điều chỉnh và mở rộng như đã phân tích nêu trên.

- Bổ sung thủ tục tiếp nhận chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản, kiểm tra, đánh giá và đưa vào hồ sơ vụ án (khoản 4 Điều 88).

- Bổ sung thủ tục đưa chứng cứ trong giai đoạn điều tra vào hồ sơ vụ án nhằm tăng cường vai trò kiểm sát của viện kiểm sát trong hoạt động thu thập chứng cứ; tránh những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tùy tiện, không đưa đầy đủ chứng cứ vào trong việc lập hồ sơ vụ án (khoản 5 Điều 88).

- Bổ sung quy định thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107 BLTTHS 2015). Việc quy định dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ là điều cần thiết, tất yếu hiện nay, khi mà các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội xảy ra ngày càng phổ biến.

Để thu thập dữ liệu điện tử, đầu tiên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thu giữ phương tiện điện tử lưu trữ các dữ liệu điện tử. Trường hợp không thể thu thập được phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử. Một hình thức thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử nữa là chặn thu các dữ liệu điện tử được truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc đường truyền khác.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định trưng cầu giám định nhằm phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. Các hoạt động thu thập này được thực hiện trên bản sao và phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe, nhìn được.

- Bổ sung quy định ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can (khoản 6 Điều 183 BLTTHS 2015). Thực tiễn cho thấy mớm cung, bức cung, dùng nhục hình… là nguyên nhân của nhiều vụ án oan sai. Mặc dù tại phiên tòa nhiều bị cáo đã tố cáo, nhưng không có căn cứ để hội đồng xét xử xem xét. Do đó, đây là một quy định tiến bộ, nhằm giám sát quá trình hỏi cung bị can, chống dụ cung, mớm cung, bức cung, tra tấn, dùng nhục hình trong hỏi cung bị can; qua đó bảo đảm tính khách quan về lời khai của bị can trong quá trình thu thập chứng cứ.

- Bổ sung riêng một chương về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223 đến Điều 228 BLTTHS 2015). Theo đó, sau khi khởi tố vụ án về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền hoặc tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: ghi âm bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu giữ bí mật dữ liệu điện tử.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Nga… đều có quy định áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt nhằm đấu tranh có hiệu quả các tội phạm rất nguy hiểm[4]. Tuy nhiên, đây là những biện pháp có nguy cơ xâm phạm đến quyền tự do, cuộc sống riêng tư của con người; mặt khác, chúng ta chưa có kinh nghiệm về việc áp dụng thực tiễn. Do đó, từ góc độ thu thập chứng cứ thì cần nghiên cứu và hoàn thiện để bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ khi áp dụng các biện pháp điều tra này trên thực tiễn.

Như vậy, thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu của quá trình chứng minh vụ án hình sự. Kết quả của hoạt động thu thập chứng cứ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, những điểm mới cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện; nếu không những quy định này chỉ mang tính hình thức hoặc kết quả của hoạt động thu thập chứng cứ không bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ.

Ths Vũ Minh Giám

 

Tham khảo:

[1]. Vương Văn Bép (2012) Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chế định chứng cứ trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học.

[2]. PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên, TS. Lê Lan Chi, Bình luận khoa học BLTTHS 2015, Nxb Lao động 2016, tr124.

[3]. Xem thêm Điều 309, 310, 311 BLTTHS 2015.

[4]. Nguyễn Quang Lộc, Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định trong BLTTHS 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21/2017, tr20.