/ Tư vấn
/ Thủ tục cấp lý lịch tư pháp

Thủ tục cấp lý lịch tư pháp

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Vợ chồng tôi đang tiến hành làm thủ tục xin con nuôi. Trong bộ hồ sơ nhận con nuôi, vợ chồng tôi thấy có yêu cầu về Phiếu lý lịch tư pháp. Vậy, tôi muốn hỏi lý lịch tư pháp là gì và tôi có thể xin ở đâu? Chị T.H. (Bắc Giang) có hỏi.

Lý lịch tư pháp là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Hiện nay, Phiếu lý lịch tư pháp gồm 02 loại: Phiếu số 1 và số 2.

Theo Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009 thì:

Điều 41. Phiếu lý lịch tư pháp
1. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:
a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật này;
b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
...

Như vậy, trong trường hợp vợ chồng chị H. xin con nuôi thì cần xin Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Về thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định như sau:

Điều 44. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
...

Nếu vợ chồng anh chị H. là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam thì xin cấp Phiếu này tại Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc tạm trú.

Theo Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 thì nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bao gồm:

Điều 42. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1
1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Tình trạng án tích:
a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
...

Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được quy định tại Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:

Điều 45. Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1
1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:
a) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
b) Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Cá nhân nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:
a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
...

Về phí làm Lý lịch tư pháp, theo Điều 4 Thông tư 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì lệ phí xin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người.

MỸ LINH

/nhung-khoan-thu-cua-hoc-sinh-tieu-hoc.html