Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.
Về vấn đề này, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, theo Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2019 thì người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này. Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện nêu trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
Khoản 3 Điều 21 Luật này cũng quy định các trường hợp chưa cho nhập cảnh như người mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồngv vì lý do phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh quyết định và Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho nhập cảnh đối với 02 trường hợp này.
Trong thời điểm tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 15/5/2020, để tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp (sau đây gọi là chuyên gia) được nhập cảnh nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm an toàn phòng, chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020 về việc hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc. Theo đó việc hỗ trợ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được thực hiện như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo nhu cầu của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách chuyên gia sẽ được vào làm việc, gửi danh sách cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để xem xét giải quyết.
Thứ hai, chỉ định, lựa chọn các cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho các chuyên gia trên địa bàn (sau đây gọi là cơ sở cách ly) theo hướng dẫn tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19” hoặc Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/3/2020 ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng.
Thứ ba, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 02 lần kể từ khi nhập cảnh theo Công văn số 1905/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo quốc gia ngày 16/4/2020 về việc thực hiện xét nghiệm Covid-19. Sau thời gian cách ly tập trung 14 ngày, tiếp tục giám sát y tế thêm 14 ngày để đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng.
Thư tư, giao cho Công an tỉnh, thành phố làm đầu mối phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ việc đưa đón chuyên gia bằng xe riêng từ sân bay hoặc cửa khẩu, cảng biển về cơ sở cách ly; tổ chức, quản lý các cơ sở cách ly; triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, theo dõi y tế và các nội dung liên quan nhằm đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh.
Thứ năm, thông báo cho các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn có nhu cầu mời các chuyên gia đến Việt Nam làm việc các nội dung sau: Thông tin về cơ sở cách ly đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định, lựa chọn; Đăng ký danh sách và đề xuất phương án, phương tiện đưa đón, cách ly cụ thể cho các chuyên gia để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Nộp hồ sơ đề nghị giải quyết cho chuyên gia nhập cảnh (lập danh sách riêng đối với số chuyên gia đã có thị thực còn hạn; số chuyên gia cần cấp thị thực) kèm theo văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để xem xét giải quyết.
Căn cứ theo nội dung của Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia lao động người nước ngoài trong giai đôạn hiện nay, trước tiên, doanh nghiệp phải tiến hành trình văn bản nêu rõ yêu cầu, nguyện vọng được sử dụng chuyên gia người lao động nước ngoài trong thời điểm hiện tại tới UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh quyết định lập danh sách chuyên gia sẽ được vào làm việc, gửi danh sách cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để xem xét giải quyết.
Sau khi chuyên gia nước ngoài của doanh nghiệp được cho phép nhập cảnh vảo Việt Nam, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly, phòng chống dịch bệnh Covid -19, trước khi được đưa trở lại Doanh nghiệp để làm việc.
Thủ tục xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú tại Việt Nam
Do trường hợp chuyển gian nước ngoài của công ty đã hết hạn giấy phép lao động và thẻ tạm trú tại Việt Nam. Do đó, sau khi nhập cảnh và hoàn thành việc cách ly phòng tránh dịch bệnh Covid -19 theo quy định, công ty phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm chú cho chuyên gia nước ngoài. Cụ thể như sau:
Thủ tục xin cấp giấy phép lao động
Trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, Doanh nghiệp gửi bản “Đăng ký nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài” tại Sở Lao động thương binh và xã hội, trong thời hạn ít nhất 30 ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài. Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp sẽ tiến hành cấp Văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Sau khi nhận được văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài, Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Thành phần hồ sơ: Đơn đề nghị xin cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 11/PLI - Phụ lục 11 (Kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ); Văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài; Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (01 bản); Giấy chứng nhận sức khỏe khám tại nước ngoài hoặc giấy khám sức khỏe khám tại Việt Nam tại các bệnh viện, phòng khám, có sở y tế đủ điều kiện theo quy định của Bộ y tế; Lý lịch tư pháp của người nước ngoài cấp tại nước ngoài hoặc phiếu lý lịch số 1 được cấp tại Việt Nam (Được cấp không quá 06 tháng); Bản chứng thực tất cả các trang hộ chiếu và visa của người nước ngoài; 02 ảnh chân dung, kích thước 4x6, phông nền trắng, không đeo kính; Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên ( Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài .....).
Cơ quan tiếp nhận và giải quyết: Sở Lao động, thương binh và xã hội.
Thời gian thực hiện thủ tục: 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Thủ tục xin cấp thể tạm trú cho người nước ngoài
Sau khi chuyên gia, người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam, doanh nghiệp tiến hành thủ tục xin cấp thẻ tạm trú.
Thành phần hồ sơ: Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú; Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (NA8); Giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp thẻ tạm trú là một trong các loại giấy tờ ( giấy phép lao động); 02 ảnh cỡ 3x4 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh rời); Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của doanh nghiệp khi đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Cơ quan giải quyết thủ tục: Cục quản lý Xuất – nhập cảnh Việt Nam
Thời hạn thực hiện thủ tục: 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
PHƯƠNG THẢO
Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí mới xác định ca nghi mắc Covid-19