/ Tư vấn
/ Thủ tục xóa án tích như thế nào, cơ quan nào giải quyết?

Thủ tục xóa án tích như thế nào, cơ quan nào giải quyết?

30/03/2023 10:54 |

(LSVN) - Năm 2010, tôi bị tòa tuyên 42 tháng tù về tội "Cướp giật tài sản", năm 2012 tôi được ra tù. Từ đó đến nay tôi không vi phạm pháp luật, vẫn sinh sống và làm việc tại địa phương. Vậy, tôi phải làm thủ tục xóa án tích như thế nào, cơ quan nào giải quyết? Bạn đọc L.O. hỏi.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) về “đương nhiên được xóa án tích” quy định như sau:

“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. 

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này".

Theo các quy định này, bạn bị kết án về tội "Cướp giật tài sản" là không thuộc các tội danh quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật Hình sự (là các trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án). Mức hình phạt bạn phải chịu là 42 tháng tù giam, tức là 03 năm 06 tháng tù. Do đó, nếu sau 02 năm kể từ (năm 2012) khi chấp hành xong hình phạt tù nêu trên, bạn đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án (nếu có) và không thực hiện hành vi phạm tội mới, thì bạn đã được đương nhiên xóa án tích (theo quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự) mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào.

Tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này". Khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích”.

Theo các quy định này, bạn có thể thực hiện thủ tục tại Sở Tư pháp nơi bạn cư trú để được xem xét và được cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận bạn không có án tích theo quy định của pháp luật.  

HỒNG HẠNH

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo làm cộng tác viên online

Bùi Thị Thanh Loan