Ảnh minh họa.
Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
Tăng cường rà soát xác định những nội dung còn chồng chéo, có cách hiểu khác nhau của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về giá để tạo sự đồng bộ, liền mạch trong tổ chức triển khai tại các cấp; đặc biệt là việc thống nhất nguyên tắc chung để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng thi hành pháp luật về giá, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giá; hoàn thiện định mức kinh tế kĩ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các dịch vụ sự nghiệp công thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm trên địa bàn cả nước; đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường và nâng cao chất lượng xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng; không nên dồn vào các tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng cao cũng như sẽ tạo áp lực điều hành lạm phát cho trung hạn.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.
Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 dưới 2,5% để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo nguyên tắc thị trường, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Nghiên cứu, xây dựng các phương án giá điện trong năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện (nếu có) để xây dựng phương án điều hành.
Triển khai các biện pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán; triển khai các biện pháp kịp thời nhằm bình ổn giá, cần có đánh giá để phối hợp Bộ Công thương điều hòa cung cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng vào thời điểm lễ, Tết. Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công thương các địa phương xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện kiểm soát khâu trung gian để triển khai các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Bộ Y tế sớm hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật, tính toán, đề xuất với Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án triển khai bước 3 (kết cấu chi phí quản lý trong giá dịch vụ) vào thời điểm phù hợp và nên thực hiện điều chỉnh trong quý III/2021 nếu các điều kiện kinh tế, xã hội cho phép.
Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức đánh giá Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa; trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét, quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát; thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận tránh gây lạm phát tâm lý kỳ vọng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9130/VPCP-KTTH ngày 2/11/2020 và đánh giá chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội để đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa nhằm mục tiêu bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội gửi Bộ Tài chính tổng hợp, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Tính toán, đánh giá mức điều chỉnh năm 2021.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
LINH CHI
Ngành giáo dục đột phá về cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường