/ Đời sống - Xã hội
/ Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về Covid-19

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về Covid-19

05/01/2021 18:04 |

Sáng nay, 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trong gần 30 ngày qua, nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, đây là điều đáng mừng. Một số điểm cuối cùng như thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đã dỡ bỏ cách ly. Người dân trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, nhất là các đô thị lớn. Chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ về phát triển sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép, nhất là hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp. Công tác an sinh xã hội đang triển khai tốt ở các địa phương.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Con số này rất đông, đề nghị rất nhiều, vì vậy cần có lộ trình, cách làm nào để thực hiện chủ trương nhân văn nhưng phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Thời gian qua, tổng số ca dương tính của Việt Nam tăng nhanh khi nhiều công dân từ nước ngoài trở về nhiễm Covid-19 như có 17 ca từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và mới đây là có 24 ca từ Nga trở về.

Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh khi tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp.

Vấn đề khôi phục kinh tế vẫn đặt ra rất lớn, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng, không để đứt gãy nền kinh tế. Một số biện pháp đặt ra thời gian qua được triển khai như tạo điều kiện chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý, nhà đầu tư đến Việt Nam trong khi chúng ta có chủ trương đón nhận làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 17h ngày 14/5), thế giới ghi nhận gần 4,5 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần 300.000 người tử vong.

Ảnh: VGP/Quang HIếu

Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 63.984 trường hợp mắc và 2.013 tử vong, trong đó Singapore tiếp tục ghi nhận số mắc cao nhất (26.098), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (1.028); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, mặc dù trong 28 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Báo cáo cho biết, bệnh nhân số 91 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch: Đã đánh giá được mức tổn thương phổi nhờ chụp CT phổi, tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép; Thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn SARS-CoV-2, khi khẳng định âm tính mới tiến hành chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện Cục Quản lý khám chữa bệnh đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.

ĐỨC TUÂN/VGP

/thu-tuong-chi-dao-khan-truong-dieu-tra-lam-ro-nguyen-nhan-vu-sap-cong-trinh-o-kcn-giang-dien.html