(LSVN) - Sáng nay, 25/12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc với sự tham dự của hơn 900 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu trí thức khoa học công nghệ trong cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lãnh đạo các ban, bộ, ngành dự Đại hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Đặng Vũ Minh cho biết, Đại hội sẽ nghe, thảo luận và biểu quyết thông qua Báo cáo chính trị “Phát huy tinh thần đoàn kết và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; sẽ bầu các chức danh lãnh đạo của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
"Đoàn Chủ tịch Đại hội rất mong toàn thể đại biểu sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của Đại hội, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm cao đối với việc xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Đặng Vũ Minh nói.
Đến cuối nhiệm kỳ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có 152 hội thành viên (tăng 12 hội ngành thành viên so với đầu nhiệm kỳ). Toàn hệ thống Liên hiệp Hội có một nhà xuất bản; một Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; 113 cơ quan báo chí (tăng 9 cơ quan báo chí so với đầu nhiệm kỳ).
Trong giai đoạn 2015-2020, các Liên hiệp hội địa phương và hội ngành thành viên thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp nhà nước.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
ĐỨC TUÂN/VGP