Ngày 19/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1% thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài học trong năm 2023. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo điện, tổng thể nguồn điện không thiếu song việc thực hiện còn chưa quyết liệt, điều hành có hạn chế nên xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số thời điểm. Do đó, để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành thảo luận phân tích kỹ tình hình sản xuất, nhập khẩu điện; nhu cầu sử dụng điện; rà soát năng lực cung ứng điện của các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời; việc triển khai các dự án điện về nguồn điện, lưới điện; việc chuẩn bị cung ứng các nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất điện như than, khí…
Đại diện các bộ, ngành đề xuất cùng với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án hiện có, cần bổ sung thêm các dự án nguồn điện, lưới điện mới, tăng nguồn cung điện để chủ động hơn, bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định năm 2024 không thiếu điện dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023. Năm 2025 với nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200-2.500MW công suất, Thủ tướng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn và yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025 với các giải pháp cụ thể.
Theo đó, khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được Chính phủ ban hành. Trong ngày hôm nay (19/10) phải ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống. Trong đó đẩy mạnh khai thác than nội địa với kế hoạch dài hạn, đồng thời nghiên cứu việc nhập khẩu than từ Lào, giảm nhập khẩu từ các nguồn khác.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc về phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên phải hoàn thành trong thời hạn 06 tháng, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống phải hoàn thành trong năm 2024.
Với giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty căn cứ ước tính nhu cầu điện tăng khoảng 12-14% mỗi năm để xây dựng, triển khai các kịch bản về nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào…