Ngày 07/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2025. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 04/02/2025 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ trong tháng 02 và quý I năm 2025 để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Trong đó đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng: hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (cho vay nhà ở xã hội, cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả để ứng phó với các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội của nước ta.
Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, từng quý để tập trung chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...).
Các bộ, cơ quan, địa phương nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tăng trưởng của các địa phương, nhất là các thành phố lớn là “đầu tàu” kinh tế, cực tăng trưởng, các địa phương tiềm năng để chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 8% trở lên và phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, bám sát diễn biến thị trường để kịp thời có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả thời điểm sau Tết, nhất là các mặt hàng, dịch vụ ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, tham quan, lễ hội... Xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá với mức độ phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, tránh dồn vào cùng một thời điểm.