(LSVN) -Sau cơn bão số 9 vừa qua, trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có gần 1000 ha cao su bị gãy đổ, nhiều hộ dân đã phải chịu thiệt hại, lâm vào cảnh nợ nần vì nhiều diện tích cao su nhiều năm chăm bón nay bị xóa sổ chỉ sau vài tiếng đồng hồ khi cơn bão số 9 đổ bộ.
Tan hoang, trơ trụi đó là cảnh tượng chung tại vườn cây cao su của hàng trăm hộ dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo một số hộ dân cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn, sau nhiều năm dốc vốn, kể cả phải đi vay nợ để phát triển mô hình cây cao su, thế nhưng sau cơn bão số 9 vừa qua, nhiều hộ dân đã rơi vào tình cảnh trắng tay, nợ nần.
Theo thống kê của UBND huyện Nam Đông cho biết, sau bão số 9 vừa qua toàn huyện có gần 1000ha cao su bị gãy đổ; gần 1.842ha rừng trồng (chủ yếu keo lai) bị gãy đổ. Riêng cây cao su, tất cả các diện tích trồng cao su phân bố trên toàn huyện đều bị hư hại, trong đó nặng nhất là xã Hương Phú, Hương Xuân (xã Hương Giang và Hương Hòa cũ), Thượng Quảng, Thượng Nhật… Trong số những địa phương này có rất nhiều xã tập trung đồng bào dân tộc thiểu số nên khi cây chủ lực bị tàn phá cuộc sống bà con khó khăn muôn phần.
Được biết, ngay sau bão, bà con tập trung cưa cây cao su gãy đổ, tận thu những cây có thân lớn có thể cưa thành khúc để chờ tư thương tới thu mua với hy vọng vớt vát được chút vốn công sức, vốn liếng.
Đến nay toàn huyện Nam Đông có gần 2.500ha cây cao su, trong đó diện tích đưa vào khai thác là 2.450ha, là thủ phủ về cao su của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Những năm trước đây, giá mủ cao su có lúc lên đỉnh điểm 42 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá mũ thấp nhưng đây đã và đang là nguồn thu chính đối với nhiều hộ nông dân trồng cao su trên địa bàn huyện.
Để khắc phục được thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 9, trước mắt Ngành nông nghiệp huyện Nam Đông đang triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực giúp người dân khắc phục những thiệt hại sau bão, sớm ổn định cuộc sống.
HOÀNG NGHĨA