Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc trường hợp đó. Bài viết chỉ đề cập đến “việc kêu oan” của một Thượng sĩ Công an thành phố Huế Nguyễn Ngọc Hải Đăng.
Nội dung vụ việc
theo Bản án sơ thẩm số 59/2023/HS-ST ngày 04/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên Nguyễn Ngọc Hải Đăng mức hình phạt 10 năm tù giam về về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, buộc bị cáo nộp số tiền 51.300.000 đồng tiền thu lợi bất chính để bồi thường cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế. Hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc Hải Đăng theo Bản án nhận định “Nguyễn Ngọc Hải Đăng là cán bộ Công an thuộc Đội cảnh sát kinh tế Công an thành phố Huế (Thượng sĩ) là người hiểu biết pháp luật, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia tổ công tác liên ngành để giám sát việc cất bốc di dời mộ, lẽ ra bị cáo phải trung thực, phát huy hết trách nhiệm để bảo vệ tài sản nhà nước nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo đã bất chấp luật pháp để nhận tiền bồi dưỡng từ các bị cáo lừa đảo mà đã kiểm tra qua loa, hình thức, lập biên bản xác nhận một số lượng lớn mộ giả là mộ thật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hải Đăng vì động cơ vụ lợi, thông qua các bị cáo khác gặp gỡ, trao đổi Đăng đồng ý nhận 50.000 đồng trên một ngôi mộ để bỏ qua hành vi cất bốc mộ giả, quá trình điều tra xét xử, bị cáo Đăng không nhận tội, không tự nguyện khắc phục hậu quả nên áp dụng mức án nghiêm khắc.”
Sau khi Bản án tuyên, Nguyễn Ngọc Hải Đăng kháng cáo kêu oan, theo đó bị cáo xác định bị cáo không phạm tội như Bản án tuyên. Các lý do bị cáo đưa ra để đề nghị cấp phúc thẩm xem xét:
Thứ nhất, kết quả điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khai đưa tiền cho bị cáo Đăng số tiền khác hoàn toàn như quy buộc của cáo trạng và Bản án sơ thẩm, cụ thể là: bị cáo Nguyễn Quốc Hùng bị truy tố là chủ mưu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khai đưa cho Nguyễn Ngọc Hải Đăng nhiều lần tại quán cà phê đường Trần Quang Khải – TP Huế số tiền 70 triệu đồng, đưa tại chợ Thôn 1 số tiền 120 triệu đồng (tại phiên tòa sơ thẩm) như vậy nếu công nhận lời khai của bị cáo Hùng thì số tiền mà Nguyễn Ngọc Hải Đăng nhận là 190 triệu đồng.
Thứ hai, cũng tại biên bản phiên tòa, bị cáo Hùng khai các lần đưa tiền và thỏa thuận đưa tiền đều có thỏa thuận và trao đổi trước với Đăng và Đăng biết là mộ giả, nhưng quá trình đối chất Đăng không thừa nhận chứng cứ thể hiện tin nhắn qua zalo giữa Hùng và Khoa.
Thứ ba, lý do các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khai nhận mục đích giao số tiền cho Đăng là để giảm tội cho mình và nộp tiền khắc phục thiệt hại ít hơn. Lời khai này của Đăng đã có từ điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm nhưng không được hội đồng xét xử xem xét, bị cáo Đăng xác định tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ tư, cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bào chữa cho bị cáo các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đều xác định bị cáo Nguyễn Ngọc Hải Đăng không phạm tội bởi các lời khai dùng để buộc tội bị cáo là bất nhất, lúc thế này, lúc thế khác, không bảo đảm để làm căn cứ buộc tội trên cơ sở của nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà Bộ Luật tố tụng hình sự đã quy định. Ý kiến bào chữa của các Luật sư đã không được Hội đồng xét xử xem xét nên đã tuyên án như trên. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hải Đăng đã kháng cáo toàn bộ phần quyết định liên quan đến bị cáo.
Hy vọng Tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn diện để có quyết định công bằng, thấu lý đạt tình.
NGUYỄN THÀNH