/ Đời sống - Xã hội
/ Thừa Thiên – Huế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống lũ lụt

Thừa Thiên – Huế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống lũ lụt

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều khu vực thấp trũng, ngập lụt. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Thừa Thiên – Huế đã huy động các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp ứng phó.

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển của các địa phương ven biển Phú Vang.

Ngày 09/10, Đoàn cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế do Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng đã đi kiểm tra và triển khai công tác phòng chống lũ lụt tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, Phú Vang và các đơn vị trực thuộc.

Đến kiểm tra tại các địa phương, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh yêu cầu các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ.

Đồng thời, chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang và các đơn vị trực thuộc triển khai ngay phương án sơ tán di dời bà con nhân dân ở những nơi thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân ở những nơi nguy hiểm. Triển khai Bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, phương tiện ô tô, tàu, thuyền trực 24/24 giờ để sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống, kê, kích, chằng chống nhà cửa cho bà con nhân dân, trong đó lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Nhiều km bờ biển sạt lở nghiêm trọng.

Bảo đảm xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm cho công tác phòng chống lũ lụt. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh triển khai trên 100 đồng chí Sĩ quan về các vùng thấp trũng, ven cửa sông, cửa biển, vùng đầm phá chỉ đạo cơ sở phòng chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy quân sự các địa phương, mưa lớn trong mấy ngày đã làm cho nhiều địa phương của 2 huyện: Quảng Điền và Phong Điền đã bị ngập lụt trên diện rộng; nhiều tuyến đường trọng điểm, huyết mạch đã không thể đi lại, nhiều khu vực đã bị nước lũ chia cắt.

Theo thống kê ban đầu thì tại huyện Quảng Điền các xã: Quảng Công, Quảng Thái, Quảng An, Quảng Thành Quảng Phước đã bị ngập trên diện rộng, cùng với đó là hàng trăm hecta hoa màu bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, địa phương cũng đã tiến hành di dời 35 hộ dân của 2 xã Quảng Công và Quảng Thành tới địa điểm an toàn.

Không chỉ tại các địa phương, trên địa bàn TP. Huế mưa lớn kéo dài cũng đã khiến nhiều khu vực thấp trũng và nhiều tuyến đường mắc vào tình trạng ngập lụt.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Huế đã có trên 30 tuyến đường bị ngập lụt, một số tuyến đường nhiều khu vực ngập sâu lên đến 30 – 60cm như đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế…

Đặc biệt, khu vực xóm Gióng thuộc tổ 1, khu vực 1, phường An Tây, TP. Huế có nơi ngập hơn 1 m và nước chảy xiết.

Công an TP. Huế đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Trước tình hình đó, Công an TP. Huế đã triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, 06 dãy trọ hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát di dời những hộ trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đối với các tuyến đường bị ngập lụt và đoạn qua đập đá lực lượng Cảnh sát giao thông trật tự, Công an các phường tiến hành chốt chặn, tuần tra kiểm soát nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, tuần tra trên sông Hương nhắc nhở tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.

Lực lượng Công an TP.Huế đưa các em nhỏ ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Đồng thời, lực lượng Công an TP. Huế phối hợp với Công ty cây xanh kịp thời dọn dẹp các cây bị ngã đỗ, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân chủ động kê cao tài sản, di chuyển đến nơi cao ráo, không nên điều khiển phương tiện giao thông vào các tuyến đường bị ngập lụt, khi cần giúp đỡ liên hệ chính quyền địa phương, lực lượng Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Chốt chặn, không cho người và phương tiện đi qua địa điểm bị ngập, nước chảy xiết.

Trong chiều ngày 09/10, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã buổi đi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, qua đó ông Nguyễn Văn Phương đề nghị chính quyền các địa phương và các ban ngành không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, phải đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân cũng như các công trình hồ chứa.

Ghi nhận tại các nơi đến kiểm tra, do mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường, gây ách tắc giao thông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu lực lượng chức năng cần cắt cử cán bộ trực tại các điểm sung yếu không để người dân đi lại tự do dễ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Di dời ngay các hộ còn ở trong vùng ngập lụt đến vùng cao hơn (ở tạm nhà bà con làng xóm hoặc nhà văn hóa tổ, trường học…); không được chủ quan lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, tính mạng của con người là quan trọng nhất. Đặc biệt là đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế (trái) chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ.

Trước tình hình mưa lũ vẫn diễn biến bất thường, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị lãnh chính quyền địa phương chỉ đạo một cách quyết liệt và có biện pháp mạnh đối với những hộ cố tình không di dời đến nơi an toàn.

Theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt đối với những địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện túc trực 24/24h để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Đồng thời tập trung tuyên truyền, thông báo để người dân biết, nắm bắt thông tin và nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.

TRẦN TÌNH - HOÀNG NGHĨA

/thua-thien-hue-trien-khai-cac-bien-phap-ung-pho-dam-bao-tinh-mang-cho-nguoi-dan-han-che-thiet-hai-do-mua-lu.html