Mục tiêu tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh Covid 19
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định: "Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng...", là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện ngay sau Đại hội. Đây là một quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử và đầy trách nhiệm của Đảng ta trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực hạn chế. Với quyết định đó, Đảng, Nhà nước đã đưa Việt Nam vào danh sách không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho toàn dân.
Tiêm chủng là đáp án tốt nhất để khôi phục nền kinh tế đang bị tổn thương và trở lại cuộc sống bình thường. Trạng thái dịch trên thế giới đang thay đổi rất lớn, theo chiều hướng xấu đi, không một quốc gia nào có thể an toàn trước làn sóng dịch bệnh đang ngày càng phức tạp và khó lường, và tiêm chủng là cách tốt nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại và bùng phát một lần nữa.
Ngày 10/7/2021, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, tiêm chủng toàn quốc sẽ có được một quốc gia khỏe mạnh về thể chất và tinh thần đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hợp tác để phát triển kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến do UNICEF thực hiện vào tháng 5/2021, người dân Việt Nam sẵn sàng và mong muốn được tiêm vaccine. Cuộc khảo sát thu hút gần 38.774 người tham gia đến từ khắp 63 tỉnh thành. Các kết quả sẽ sớm được công bố và chúng ta có thể yên tâm khi có 67% người tham gia mong muốn được tiêm vaccine và 24% có khuynh hướng sẽ tiêm vaccine. Điều này phản ánh việc người dân hiểu được rằng tiêm chủng là cách để chấm dứt sự hình thành của các biến thể virus mới và ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của virus đối với những người thân yêu xung quanh mình. Việc người dân sẵn sàng tiêm vaccine là dấu hiệu hết sức tích cực đối với Việt Nam và đối với việc triển khai vaccine nhằm giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động.
Các doanh nghiệp là một trong những đối tượng mong chờ Việt Nam mở cửa trở lại và phát triển nhất, cũng như là một trong những đối tượng mong muốn bảo vệ người lao động trước dịch bệnh và những khó khăn khiến nền kinh tế tê liệt nếu doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Do đó, việc doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ và hỗ trợ triển khai vaccine một cách hiệu quả vừa là thông điệp tuyệt vời về sự đoàn kết, vừa là sự đầu tư vào việc duy trì hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Việc Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các công ty trong nước và quốc tế là việc làm rất có ý nghĩa khi đây là những đối tượng hiểu rõ vaccine sẽ thay đổi cục diện kiểm soát Covid-19 và mong muốn đóng góp nhằm đảm bảo Chính phủ không chỉ có thể mua vaccine mà còn phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả.
Hiện nay ở Đông Nam Á, tất cả các nước đã triển khai tiêm vaccine Covid-19, trong đó Singapore dẫn đầu về tỉ lệ người được tiêm ít nhất một mũi, với tổng số liều tiêm hiện là 4.047.651, tỉ lệ tiêm đang ở mức 40%. Tiếp theo là Campuchia với 4.969.942 liều tiêm và tỉ lệ tiêm chủng vaccine là 17%. So với mặt bằng chung những quốc gia trên thế giới và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 còn thấp, với 1.340.098 tổng số liều tiêm và 1.3% tỉ lệ tiêm chủng (tính đến ngày 09/6/2021). Dù tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam chưa cao so với các nước trong khu vực, tuy nhiên hiện nay Việt Nam đang có những kế hoạch và lộ trình cụ thể trong công tác phòng chống dịch. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, Việt Nam đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022, đặt mục tiêu tiêm chủng cho từ 65-80% dân số. Đây là một sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước.
Theo cơ quan nghiên cứu thị trường Ipsos, người dân Việt Nam và Singapore nằm trong nhóm hài lòng về phản ứng của chính phủ với Covid-19. Việt Nam có tỉ lệ tín nhiệm cao nhất. 91% dân số cảm thấy giới chức xử lý tốt đại dịch. Con số này tại Singapore là 88%, Malaysia là 72% và Indonesia là 69%. Đây là một phản ứng tích cực thể hiện tính hiệu quả và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sự sẵn sàng hợp tác của người dân với chính phủ để đạt được thắng lợi cho chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ở Việt Nam.
Về thu hút đầu tư nước ngoài
Công cuộc đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Từ thời điểm này, Việt Nam thực hiện chủ trương thu hút vốn FDI để phát triển kinh tế-xã hội. Thực tiễn cho thấy, với chính sách mở cửa, ưu đãi mạnh mẽ mà lượng vốn FDI vào Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, FDI trở thành khu vực kinh tế rất quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy với các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 05 tháng đầu năm 2021 “chảy” vào Việt Nam đạt 14 tỉ USD, không những giảm mà còn tăng 0,8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khiêm tốn nhưng lại rất đáng ghi nhận bởi đạt được trong tình huống bất lợi do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn đầu tư đang “trầm lắng” trên bình diện toàn cầu.
Có thể kể tên một số dự án quy mô lớn, tiêu biểu gồm dự án trị giá 475 triệu USD của Intel (Mỹ), dự án mở rộng sản xuất của LG Display (Hàn Quốc) với số vốn 750 triệu USD... Và thời điểm này, những nhà đầu tư giàu tiềm năng, có thế mạnh về công nghệ và vốn như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục đổ vốn, triển khai những dự án mới tại Việt Nam .
Dư luận quốc tế đánh giá kết quả trên rất đáng ghi nhận, bởi đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành tại khắp các châu lục, gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nước phát triển - vốn là những đối tác đầu tư quan trọng. Thực tế này cũng cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì được hình ảnh, sức cạnh tranh của mình. Giới đầu tư EU, Nhật Bản, Mỹ... cũng thừa nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong khu vực ASEAN đối với mục tiêu trung và dài hạn của họ.
Với những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng niềm tin của các nhà đầu tư
Việt Nam đang hướng tới những biện pháp phòng, chống dịch mang tính lâu dài, hiệu quả, trong đó không thể không kể đến tầm quan trọng của việc tiêm chủng vaccine. Đồng thời, Việt Nam cũng có một chiến lược hết sức phù hợp, khoa học, không vội vàng, ồ ạt trong việc mua và tiêm vaccine, cũng không phụ thuộc vào một loại vaccine nào mà tiếp tục đàm phán với nhiều nhà sản xuất. Song song việc nhập khẩu vaccine, chúng ta cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 nội địa. Mục tiêu của Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải đảm bảo mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine và có đủ nguồn cung vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vaccine phòng Covid-19 trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vaccine "made in Việt Nam".
Đến nay, cả nước có 02 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, trong đó vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, ứng viên còn lại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Vaccine đang được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại Thái Bình. Đặc biệt, ngày 08/8 vừa qua, Việt Nam đã ký Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax với Ấn Độ. Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, và là bước triển khai cụ thể Tuyên bố về Tầm nhìn giữa hai Thủ tướng ký kết tháng 12/2020.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng có vaccine phòng chống dịch bệnh chủ động cho Việt Nam. Ngày 07/5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, Việt Nam đã ký 03 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine phòng Covid-19 với các đối tác Nga, Mỹ, Nhật Bản. Chiến lược đúng đắn này của Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của Đảng ta, một Đảng luôn biết lo cho dân, luôn vì dân.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỉ USD .
Bên cạnh những chính sách nâng cao hiệu quả và phát huy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, nhất quán chính sách thu hút vốn FDI, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước,… thì với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh là vấn đề cấp thiết được đặt lên hàng đầu để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư vào trong nước. Để hoàn thành được mục tiêu đó không thể bỏ qua bước tiêm chủng Covid-19 và nhanh chóng tổ chức các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, đây là biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang làm đúng theo kế hoạch đề ra và thu được những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia với nhà đầu tư; khẳng định vị thế của Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng chính nhờ sự ổn định và khả năng chống dịch tốt mà nhà đầu tư ngày càng an tâm với tương lai dự án của mình, dồn sức triển khai để tranh thủ thời gian, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư. Minh chứng là lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 05 tháng qua đạt 7,15 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, không ít dự án dù đã đi vào hoạt động cũng quyết định điều chỉnh tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất. Điều này thể hiện niềm tin vào tương lai hoạt động tại Việt Nam của nhà đầu tư nói chung.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam, ông Michael Chiu thì Việt Nam đã thu được kết quả tốt trong phòng, chống dịch Covid-19 dù nguồn lực hạn chế, được thế giới đánh giá cao. Việc duy trì được sự tăng trưởng kinh tế ngay trong khi ứng phó với đại dịch thể hiện tinh thần chủ động, điều hành có hiệu quả và tình hình đang diễn ra theo một quỹ đạo tích cực.
Có thể nhận thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, điều này cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 của Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để hút vốn từ nhà đầu tư ngoại, hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại khi các chiến dịch tiêm chủng thần tốc hoàn thành.
NGUYỄN THỊ MINH NHẬT - KIỀU CHINH
Công ty Luật ThinkSmart - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Cần có những giải pháp đồng bộ để thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao