Theo Bộ Tài chính, ngày 26/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên (gọi tắt là Hiệp định VN-EAEU FTA) giai đoạn 2018-2022.
Bên cạnh đó, ngày 08/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (AHTN 2022). Theo kế hoạch, các cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong Hiệp định VN-EAEU FTA cần được chuyển đổi sang AHTN 2022 để đảm bảo sự đồng bộ hóa của pháp luật trong nước, tuân thủ cam kết của Việt Nam tại Nghị định thư của các nước ASEAN và Công ước về Hệ thống điều hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS) của Tổ chức Hải quan thế giới.
Để thực thi các cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam tại Hiệp định, Bộ Tài chính triển khai xây dựng dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VN-EAEU FTA giai đoạn 2022-2027 và đăng tải lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.
Theo dự thảo, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VN-EAEU FTA theo AHTN 2022 giai đoạn 2022-2027 gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho từng năm, kể từ năm 2022 đến hết ngày 31/12/2027.
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bình quân cho từng năm là: Năm 2022 là 3,25%, 2023 là 2,95%; năm 2024 là 2,66%, năm 2025 là 2,36%, năm 2026 là 2,36% và năm 2027 là 2,34%.
Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VN-EAEU FTA: Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VN-EAEU FTA, gồm:
- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.
- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định VN-EAEU FTA, bao gồm các nước sau: Cộng hòa Armenia; Cộng hòa Belarus; Cộng hòa Kazakhstan; Cộng hòa Kyrgyzstan; Liên bang Nga; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).
- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định VN-EAEU FTA, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EAV, theo quy định pháp luật hiện hành.
HÀ ANH
Một số bất cập, vướng mắc của Bộ luật Hình sự hiện hành và hướng hoàn thiện