/ Đời sống - Xã hội
/ Thương hiệu cam Hà Tĩnh

Thương hiệu cam Hà Tĩnh

28/11/2021 12:27 |

(LSVN) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diện tích trồng cam đạt trên 7.900ha, tập trung vào 4 huyện: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê và Can Lộc. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 5.600ha, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP 1.657ha, năng suất đạt 11,7 tấn/ha, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Các vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham quan gia hàng trưng bày trong Hội nghị quảng bá, thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam.

Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 10 năm nay sang tháng 2 năm sau. Cam Hà Tĩnh có nhiều ưu điểm hơn cam các địa phương khác trong cả nước, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, mọng nước.

Hà Tĩnh có nhiều giống cam nổi tiếng như cam bù Hương Sơn được khách hàng cả nước ưa chuộng, thường chín vào đúng dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Cam bù là sản vật dùng để biếu tặng, thờ cúng tổ tiên, nên cam bán được giá, có thời điểm lên tới 50.000 đồng – 60.000 đồng/kg. 

Ở Hương Khê có cam Khe Mây xã Hương Đô, Can Lộc có cam Thượng Lộc ngon nổi tiếng. Nhiều người dân ở Hương Sơn, Vũ Quang gọi cam là cây xóa đói giảm nghèo. Nếu tính trung bình mỗi 1kg cam giá 25.000 đồng, mỗi năm Vũ Quang thu về từ 450 tỉ đến 460 tỉ đồng. 

Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện cho các gia đình, HTX trồng cam. Họ được tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất đầu tư thâm canh nên cây cam rất khỏe, cho nhiều quả. Hà Tĩnh tập trung cao công tác tuyển giống, chọn bộ giống cây đầu dòng, cho sản phẩm đạt chất lượng cao.

Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một chuyến công tác tại Hà Tĩnh đã đi thăm các vườn cam đánh giá cam Hà Tĩnh đạt chất lượng rất tốt.

Cam Khe Mây, Hương Đô, Hương Khê, ngon nổi tiếng.

Cây cam đứng vững và phát triển một cách vững chắc nhờ tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ gia đình, HTX trồng cam. Chuyển giao, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh theo địa chỉ: https//camhatinh.gov.vn minh bạch hệ thống thông tin đến người tiêu dùng. Đến thời điểm này, hệ thống đã kết nối được với 1.611 hộ dân và 278 HTX, tổ hợp tác trồng cam trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Hàng năm, “Lễ hội cam” được tổ chức để quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho cam. Năm nay, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh theo hình thức trực tuyến. Thông qua sự kiện này, các Bộ, ngành Trung ương, và các địa phương cam kết phối hợp với Hà Tĩnh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Với cách làm năng động, đổi mới cam Hà Tĩnh được khách hàng nhiều địa phương trong nước ưa chuộng. Đến nay, sản lượng cam Hà Tĩnh đã tiêu thụ được 13.000-14.000 tấn, bước đầu đã thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: Vinmart, Coopmart, sàn thương mại điện tử.    

Thương hiệu cam Hương Sơn được khách hàng cả nước ưa chuộng.

Cam Hà Tĩnh đã có thương hiệu trên thị trường, nhưng những hộ  và các HTX trồng cam thấy đây mới là thành quả bước đầu, cần phải cố gắng, phấn đấu, vươn lên hơn nữa. Trong những năm tới, họ tập trung thực hiện trồng và chăm sóc đúng quy trình, tăng cường phân hữu cơ, đảm bảo chất lượng cam tốt hơn, quả lớn hơn, đều hơn, vị ngọt đặc trưng, đậm đà hơn.

HẢI HƯNG

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 và những bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Lê Minh Hoàng