Phát biểu tại một sự kiện do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 23/3, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự báo khối lượng thương mại có thể tăng 8,5% trong năm nay và tăng 6,5% trong năm tới. Bà nêu rõ: "Sự phục hồi trong thương mại, nếu được quản lý tốt, có thể thúc đẩy tăng trưởng và mức sống ở những nước đang phát triển".
Trước đó, hồi tháng 2/2021, trong thông điệp gửi đến cuộc họp của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20), bà Georgieva cảnh báo cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn và vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự tiếp cận “thiếu công bằng” đối với vaccine ngừa Covid-19.
Bà Georgieva dự báo đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc, sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông David Malpass cho rằng thương mại sẽ là cốt lõi của quá trình phục hồi. “Tôi nghĩ giờ đã đến lúc giảm thuế quan và các hạn chế và chúng tôi làm việc trực tiếp với các quốc gia để cố gắng hỗ trợ những nỗ lực đó".
Chủ tịch WB cho biết, tổ chức này sẽ triển khai chương trình vaccine ở 30 quốc gia vào cuối tháng 4, với khoản tài trợ khoảng 2 tỷ USD đồng thời khẳng định rằng thương mại mở rộng là cực kỳ quan trọng đối với sự phục hồi của các nước đang phát triển.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho hay Liên minh châu Âu (EU) không hướng tới lệnh cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 mà muốn bảo đảm tính công bằng về phân phối vaccine đối với các quốc gia trong khối.
BT/VGP