Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
Một số đặc điểm pháp lí của thương nhân theo pháp luật Việt Nam
Thứ nhất, về chủ thể, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
- Đối với cá nhân (công dân Việt Nam và công dân nước ngoài): Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ điều kiện kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật mới có thể trở thành thương nhân.
- Đối với tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thương nhân phải thực hiện hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại với thương nhân là mối quan hệ gắn bó không thể tách rời bởi không thể gọi là thương nhân khi mà chủ thể đó không thực hiện hoạt động thương mại, thực hiện hoạt động thương mại được xem là thuộc tính cơ bản của thương nhân.
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Các hoạt động thương mại phải được cá nhân, tổ chức tiến hành thường xuyên. Tức là hoạt động thương mại diễn ra liên tục, không bị gián đoạn hay chỉ hoạt động tạm thời, nguồn thu nhập chính là từ lợi nhuận của hoạt động thương mại.
Thứ ba, để trở thành thương nhân thì các chủ thể phải đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Theo đó, tổ chức và cá nhân kinh doanh có những quy định khác nhau để xác lập tư cách thương nhân.
- Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế (thành lập doanh nghiệp) thì đăng ký tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký thành lập doanh nghiệp là quyền của nhà đầu tư, song để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thỏa mãn những điều kiện nhất định.
- Đối với thương nhân là cá nhân (hộ kinh doanh) thì đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh là văn bản khai sinh ra chủ thể pháp luật mới là thương nhân. Đăng ký kinh doanh là sự ghi nhận bằng văn bản của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lí sự ra đời của thương nhân. Việc đăng kí kinh doanh tạo cơ sở pháp lí cho công tác quản lí nhà nước về kinh tế, xác nhận sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cần thiết về doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia quan hệ với doanh nghiệp.
THANH THANH
Phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động nước ngoài