/ Pháp luật - Đời sống
/ Người cướp tiệm vàng ở Huế sẽ phải đối diện với mức án nào?

Người cướp tiệm vàng ở Huế sẽ phải đối diện với mức án nào?

02/08/2022 04:47 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng có thể bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trường hợp tài sản chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản" theo quy định pháp luật hiện nay. Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ cho thấy khẩu súng mà đối tượng sử dụng là súng quân dụng, có thể khởi tố thêm đối tượng này về tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự và hình phạt có thể tới 15 năm tù bởi hành vi được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngô Văn Quốc khi gây án. Ảnh: Bảo vệ pháp luật.

Mới đây, vụ việc cán bộ Trại giam Bình Điền tên là Ngô Văn Quốc (38 tuổi) sử dụng súng AK cướp 2 tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi ở chợ Đông Ba, phường Đông Ba (TP. Huế) rồi ném vàng vung vãi khắp hiện trường đã gây xôn xao suốt 2 ngày qua.

Nhiều người dân thắc mắc về hành vi của Quốc và việc nhặt vàng của người dân sẽ phải đối diện với những hình phạt như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo thông tin vụ án cho thấy, tên cướp này sử dụng súng AK và mặc bộ đồ Cảnh sát, có cầu vai quân hàm đầy đủ, hành vi cũng rất bất thường là sau khi cướp được vàng thì ném vàng ra ngoài đường khiến người dân lao vào nhặt, tạo ra cạnh nhốn nháo... Thông thường, những tên cướp, thực hiện hành vi cướp tài sản giữa ban ngày thường che giấu thông tin, bịt mắt để không bị nhận diện.

Tuy nhiên, đối tượng này lại công khai thực hiện hành vi cướp tài sản giữa ban ngày, không hề che giấu thân phận của mình. Sau khi cướp được vàng, đối tượng đã vứt vàng ra đường, nếu vứt vàng ra đường trên đường trốn chạy nhằm phân tán lực lượng truy đuổi thì là thủ đoạn tinh vi nhưng nếu cướp được vàng rồi mà không có mục đích chiếm đoạt tài sản, đã vứt toàn bộ tài sản cướp được ra đường cho người dân thì hành vi rất "bất thường”.

Do đó, Luật sư kiến nghị, nếu đối tượng có dấu hiệu tâm thần, cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc phải làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng này khi thực hiện hành vi "Cướp tài sản".

Bên cạnh đó, đối với hành vi, mặc sắc phục Công an, nổ súng, cướp nhiều vàng, Luật sư cho biết, hành vi của đối tượng xâm hại đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc hoang mang lo lắng cho người dân ở khu vực xảy ra vụ việc.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng có thể bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Trường hợp tài sản chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản" theo quy định pháp luật hiện nay.

Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ cho thấy khẩu súng mà đối tượng sử dụng là súng quân dụng, có thể khởi tố thêm đối tượng này về tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự và hình phạt có thể tới 15 năm tù bởi hành vi được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng trước khi khởi tố bị can.

Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra cũng xác định được một nhân viên tiệm vàng bị thương, theo Luật sư, mặc dùng vết thương của một nhân viên tiệm vàng do súng bắn bị thương nhưng vẫn chưa thể kết luận đó là hành vi "Cố ý giết người".

Theo quy định của pháp luật, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi "Cướp tài sản". Đối tượng sử dụng súng AK tấn công nhân viên hiệu vàng khiến 1 người bị thương và chiếm đoạt vàng ở hiệu vàng này nên hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội "Cướp tài sản" quy định tại Điều 168, bộ luật Hình sự. Theo đó, đối tượng có thể bị áp dụng khung hình phạt tù thấp nhất là 07 năm, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân đối với hành vi mà mình gây ra.

Người dân nhặt được số vàng bị cướp nhưng không thông báo có bị xử lý hình sự?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Đối với trường hợp người dân nhặt được vàng, tuy nhiên sau thông báo của Cơ quan chức năng yêu cầu đem nộp lại số vàng bị cướp mà vẫn không nộp thì Luật sư cho biết, đây có thể xem là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người khác.

Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cụ thể, theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" như sau: "Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

Ngoài ra, hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, người đang chứa chấp, tiêu thụ tài sản là vàng do đối tượng này cướp được mà không giao nộp, trả lại cho người bị hại thì có thể bị truy cứu về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Trong trường hợp đối tượng này bị xác định tâm thần Luật sư cho biết, cơ quan chức năng sẽ cho đối tượng đi trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng này mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, có thể sẽ không bị khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

"Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của đối tượng là hung hãn, táo tợn, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ hành vi của đối tượng gây án và làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật", Luật sư bày tỏ quan điểm.

HOÀNG NGUYỄN

Vụ lái xe có tiền sử động kinh gây tai nạn liên hoàn: Ai chịu trách nhiệm?

Admin