Tiền ảo là gì và lịch sử ra đời của tiền ảo
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chuyên môn ở nước ta vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo. Theo Chỉ thị (EU) 2018/843 năm 2018 (1) của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu, thuật ngữ “tiền ảo” có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi Ngân hàng Trung ương hoặc Cơ quan Công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.
Theo nhiều nguồn thông tin thì tiền ảo ra đời vào năm 2008 do một người có tên là Satoshi Nakamoto đã sáng tạo ra và người này cũng là cha đẻ đồng Bitcoin. Những năm sau đó các đồng tiền ảo khác như Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB) Tether (USDT)… cũng lần lượt ra đời.
Hiện nay, có không ít người nhầm lẫn tiền ảo với tiền trong ví điện tử (như Momo, VNPay, AirPay). Ví điện tử là loại dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp được pháp luật quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019). Ví điện tử không tạo ra đồng tiền ảo, mà chúng chỉ lưu giữ một giá trị tiền tệ được bảo đảm bằng đúng giá trị tiền gửi (đồng Việt Nam) tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản bảo đảm thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỉ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, “tiền xu” của Tiki hoặc của Shopee không phải là tiền ảo. “Tiền xu” này chỉ là tên gọi của “phiếu mua hàng điện tử” hoặc “phương thức khuyến mãi” được dùng để hỗ trợ giảm giá, cấn trừ giá mua hàng hóa của người tiêu dùng trong chính sàn thương mại điện tử đó.
Các quốc gia quy định tiền ảo như thế nào?
Hiện tại, các quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về tiền ảo, có quốc gia cho phép, có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận (tiêu biểu như Việt Nam) và cũng có quốc gia hoàn toàn cấm tiền ảo. Chẳng hạn như El Salvador - một nước nằm ở Trung Mỹ - đã chấp nhận đồng tiền Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp vào tháng 06/2021 và trở thành quốc gia đầu tiên chính thức chấp nhận đồng tiền này (2). Hoặc như Trung Quốc là một quốc gia có số lượng người “đào” tiền ảo đông nhất thế giới nhưng giới chức trách Trung Quốc vừa có quyết định cấm tổ chức tài chính ở quốc gia mình không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến tiền ảo và cảnh báo không được giao dịch tiền ảo (3). Chỉ thị này được đưa ra dựa trên nhận định thống nhất của ba tổ chức tài chính của Chính phủ Trung Quốc là Hiệp hội Tài chính Internet quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, cùng Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc về những mối nguy hiểm cũng như rủi ro mà tiền ảo sẽ mang đến cho ngành tài chính.
Qua đó cho thấy, tùy vào đánh giá, nhận định về tiền ảo mà mỗi quốc gia sẽ có chính sách khác nhau đối với đồng tiền này.
Những vấn đề pháp lý của Việt Nam đối với tiền ảo
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với tiền ảo; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa thể giải quyết. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Dưới đây là 03 lĩnh vực pháp luật điển hình liên quan đến tiền ảo.
Thứ nhất, trong lĩnh vực pháp luật tiền tệ và ngân hàng
Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 cua Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thứ hai, trong lĩnh vực pháp luật dân sự
Tiền ảo không được xem là tài sản. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo quy định này, tài sản chỉ tồn tại ở 04 dạng:
- Vật là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai thác, sử dụng như vàng bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa...
- Tiền là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao gồm nội tệ và ngoại tệ.
- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá gồm các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc…
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…
Theo đó, tiền ảo không thuộc 01 trong 04 loại nêu trên nên tiền ảo không được coi là tài sản. Vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người sở hữu, người tham gia giao dịch tiền ảo và không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo. Các tranh chấp thường phát sinh liên quan đến tiền ảo gồm quyền sở hữu tiền ảo, mua bán tiền ảo, vay mượn tiền ảo, thừa kế tiền ảo và bồi thường thiệt hại trong giao dịch tiền ảo.
Thứ ba, trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, kinh doanh
Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến pháp thì các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo thì không bị coi là cấm.
Lợi dụng kẽ hở này, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch “ma” để huy động tiền từ những nhà “đầu tư”. Trong khi đó, các nhà “đầu tư” thì ồ ạt đổ tiền vào các sàn này khi không tìm hiểu kỹ về các rủi ro, cái hại trong giao dịch tiền ảo, mà chỉ thấy cái lợi trước mắt là sinh lợi nhanh, tỉ suất lợi nhuận cao, hưởng lợi từ mô hình tháp đa cấp. Nhưng đến khi xảy ra “sự cố” như sập sàn đầu tư tiền ảo thì nhà “đầu tư” mới sửng sốt và biết rằng việc đòi lại tài sản của mình trên sàn là điều không thể.
Một số đề xuất
Tiền ảo là lĩnh vực rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện tại, tiền ảo đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nên đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo. Chúng ta không xa lạ gì với những vụ việc lừa đảo từ những sàn giao dịch tiền ảo và hệ lụy to lớn gây ra cho nhà “đầu tư”. Để góp phần hạn chế những hệ lụy về tiền ảo, tác giả đề xuất một số biện pháp sau:
Thứ nhất, nên xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.
Thứ hai, nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền ảo được phát hành, giao dịch …) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Thứ ba, có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo nên các cơ quan chức năng cần nâng cao nghiệp vụ trong việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
(1) https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32018L0843 (2) https://vneconomy.vn/quoc-gia-dau-tien-tren-the-gioi-chap-nhan-bitcoin-lam-phuong-tien-thanh-toan-hop-phap.htm (3) https://vov.vn/cong-nghe/tin-moi/trung-quoc-cam-tien-dien-tu-nguoi-dan-lieu-co-ban-thao-859353.vov |
Luật sư ĐẶNG VĂN VƯƠNG - XUÂN THOẠI
Phong & Partners Law firm
Sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại trong bối cảnh Covid-19