/ Pháp luật - Đầu tư
/ Tiền mã hoá có được xem là phương tiện thanh toán, ngoại hối?

Tiền mã hoá có được xem là phương tiện thanh toán, ngoại hối?

10/07/2021 10:20 |

(LSVN) - Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu công nghệ đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới, tiền ảo với công nghệ blockchain với những tính năng ưu việt đang mang trong mình sức ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường thế giới hiện nay. Vậy, tiền mã hoá có được coi là phương tiện thanh toán, ngoại hối hay không?.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng.

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng cho biết hiện nay, tiền mã hoá được tiếp cận dưới nhiều khía cạnh, nhiều hình thức khác nhau, cũng chưa có một thuật ngữ chung thống nhất. Cơ bản có thể hiểu, tiền mã hóa là biểu hiện của giá trị dưới dạng số, không được quốc gia hay ngân hàng trung ương nào bảo đảm, được tạo ra trên cơ sở dụng dụng công nghệ blockchain kỹ thuật mã hoá nhằm tạo lập, xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy.

Dưới góc độ là phương tiện thanh toán

Theo quy định pháp luật hiện hành, phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam được Ngân hàng nhà nước phát hành gồm: Tiền giấy, Tiền kim loại. Căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, Thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 101/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:

 “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này”.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ năm 2014 đến nay khẳng định tiền ảo như Bitcoin (tiền mã hóa) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi cấm tại Việt Nam.

Như vậy, tiền mã hóa theo pháp luật Việt Nam hiện hành không phải là phương tiện thanh toán, việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự. Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng chủ thể phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Dưới góc độ ngoại hối

Căn cứ vào khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013, ngoại hối bao gồm: Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ); Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế. 

Như vậy, về nguyên tắc cũng như đã phân tích trên, tiền mã hóa không phải là ngoại hối, cụ thể không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, với trường hợp một quốc gia phát hành và xác định tiền mã hóa là tiền pháp định của quốc gia đó thì tiền mã hóa là ngoại tệ theo pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp như vậy, các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013.

LINH NHI 

Mức giá xét nghiệm Covid-19 cho người dân

Lê Minh Hoàng