Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ GTVT, các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC bảo đảm duy trì chỉ 01 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông, số lượng phương tiện tham gia dán thẻ đầu cuối tăng nhanh, trong thời gian 07 tháng vừa qua đã dán được gần 02 triệu phương tiện, nâng tổng số phương tiện tham gia dịch vụ đạt khoảng gần 03 triệu (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc).
Tuy nhiên, về tổng thể mục tiêu triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng chưa đạt yêu cầu về tiến độ, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý triển khai quá chậm, còn lúng túng trong việc xử lý sự cố kỹ thuật liên quan thu phí điện tử tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Bên cạnh đó, việc xử lý, giải quyết các vướng mắc bất cập dự án/trạm thu phí BOT tuy đã cố gắng nhưng còn chưa triệt để, cần sự phối hợp của các ngành, các cấp để giảm tối đa ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP.
Để sớm hoàn thành các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và sớm xử lý vướng mắc đối với các dự án/trạm thu phí BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC khẩn trương lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp, hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Bộ GTVT phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quyết liệt chỉ đạo VEC hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhận thức rõ đây là trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC phải tập trung cao để hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý. Đến 31/7/2022 nếu không triển khai sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc xem xét việc tạm dừng thu phí (xả trạm).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các công việc trong quá trình thực hiện của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố, tổ chức tuyên truyền rộng rãi để triển khai thí điểm tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng), lưu ý không được ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, doanh nghiệp trong trường hợp các trạm thu phí xảy ra sự cố liên quan đến hệ thống thu phí.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các Nhà đầu tư BOT, Nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tăng cường công tác điều tiết giao thông, xử phạt nghiêm các với các phương tiện đi vào làn thu phí không dừng khi không đủ điền kiện.
Bộ GTVT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng, các nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp để tăng tỉ lệ phương tiện ô tô dán thẻ ETC, phấn đấu đến tháng 09/2022 đạt 80% đến 90%, tiến tới thu phí hoàn toàn tự động không dừng ETC trên cả nước.
Về đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan sớm khảo sát, đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với Sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), báo cáo Phó Thủ tướng trong tháng 05/2022.
T.M