(LSVN) -Chiều 13/10, thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã bắt được liên lạc với Thủy điện Rào Trăng 4 và hiện 40 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 đang an toàn ở đây.
Vào khoảng 14h20 ngày 13/10, Đài thông tin duyên hải Huế kết nối được với Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 qua tần số 8.149KHz. Thông tin nhà máy báo về cho biết, hiện công nhân nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày.
Được biết, 40 công nhân ở nhà máy Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã đi đường rừng về đến Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 an toàn. Hiện đường đi đến hai nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đều bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước chảy rất xiết.
Trong khi đó, Nhà máy thủy điện A Lin B2 bị cô lập vẫn chưa có được thông tin. Cán bộ Nhà máy thủy điện A Lin B1 đã ra đến khu vực huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh và xác nhận toàn bộ công nhân nhà máy A Lin B1 an toàn.
Đến tối ngày 13/10, theo thông tin ban đầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về sự cố tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, có 08 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và hai cán bộ địa phương. Hiện các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Trước đó, trong buổi chiều ngày 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có mặt tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn sạt lở đất có thể làm nhiều người bị vùi lấp, mất liên lạc ở thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 7 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, vào ngày 12/10, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà đang có hơn 10 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3.
Ngay lập tức, tỉnh đã thành lập đoàn cứu hộ tiếp cận hiện trường, tổ chức cứu nạn. Tuy nhiên, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm thuộc Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Nhưng trong lúc đang tạm nghỉ, thì bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà của đoàn cứu hộ, có tám người thoát khỏi.
Tại thời điểm chưa liên lạc được với nhóm công nhân thủy điện và nhóm ứng cứu nói trên. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 hỗ trợ tối đa về lực lượng, phương tiện cho tỉnh để kịp thời triển khai cứu hộ. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng điều 2 máy bay trực thăng để ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và Đoàn công tác, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện, các lực lượng còn cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 2km.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo Quân khu 4 báo cáo tình hình và các phương án cứu hộ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao các lực lượng đang tích cực triển khai công tác cứu hộ. Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình trước mắt rất nguy cấp, cần phải huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị để tổ chức ứng cứu 1 cách nhanh nhất các nạn nhân bị vùi lấp, mất liên lạc ở thủy điện Rào Trăng 3 và lực lượng ứng cứu bị mất liên lạc tại trạm kiểm lâm số 7 thuộc xã Phong Xuân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các lực lượng trong đó có Bộ quốc Phòng, Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải dốc toàn lực, huy động tối đa thiết bị, phương tiện để đẩy nhanh công tác cứu hộ, trong quá trình cứu hộ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ. Đồng thời chuẩn bị lực lượng y tế để cấp cứu, hỗ trợ những người trở về.
Phó Yhủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, mưa lớn trong những ngày vừa qua đã khiến cho nhiều địa phương bị chia cắt, nguy cơ người dân thiếu đói, thiếu nước rất cao. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải chủ động xây dựng các phương án tiếp tế lương thực, nước uống, không để xảy ra tình trạng thiếu đói. Sau lũ cần phải có phương án khắc phục, tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
HOÀNG NGHĨA