Nghị Quyết 69/NQ-CP nêu rõ, quán triệt, thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể như sau:
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung
Chính phủ yêu cầu cần làm rõ:
- Những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao?
- Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao?
- Những quy định bổ sung mới, vì sao?
- Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là bao nhiêu, vì sao?
- Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao?
- Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025.
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh mới
Cần làm rõ các nội dung:
- Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào?
- Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì?
- Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp?
- Những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì?
- Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào?
- Việc phân cấp, phần quyền phư thế nào?
- Các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ... Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2025 quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.