Ngày 03/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việc ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn.
Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.
Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.
Quá trình xây dựng dự án Luật đã đảm bảo tuân thu đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật gồm 04 Chương, 20 Điều.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua rà soát các nội dung trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện.
Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật và các nội dung giải trình chưa giải quyết và chưa làm rõ được nhiều vấn đề lớn đã được nêu trong Kết luận số 4279 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội....
Từ góc độ này, dự án Luật chưa đảm bảo các yêu cầu về đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng Luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, ngắn gọn, đơn giản, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và có thể áp dụng lâu dài, tuyệt đối không luật hoá định của Nghị định, Thông tư.
Trên cơ sở nội dung Báo cáo số 641 ngày 13/10/2024 của Chính phủ về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) kèm theo hồ sơ dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chưa đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật của Chủ tịch Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm giải quyết các vấn đề.
Cụ thể, rà soát lại các nội dung đang luật hoá các quy định của văn bản dưới luật và các quy định chi tiết khác không thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hoá những nội dung đã được quy định tại các nghị định, thông tư một cách phù hợp để bảo đảm Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề về nguyên tắc, ngắn gọn, đơn giản, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và được áp dụng lâu dài.
Đồng thời, rà soát các luật có liên quan (hiện hành và các dự thảo Luật đang được trình Quốc hội) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện đúng quy định tại Điều 12 và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị Chính phủ với vai trò là cơ quan trình chính sách đưa ra quan điểm rõ ràng về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để có sự nhất quán trong cách tiếp cận, xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư giữa dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các dự án Luật chuyên ngành khác đang được Quốc hội thảo luận để thông qua trong Kỳ họp này, cũng như giữa dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với các quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư trong quy định pháp luật về đầu tư và các Luật chuyên ngành khác.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi thảo luận nghiêm túc, đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt, đối chiếu với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội về đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra là dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện và lưu ý theo tinh thần thống nhất giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đồng ý theo kế hoạch là có báo cáo tại Kỳ họp này.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận 4279 ngày 26/9/2024 để hoàn thiện dự án Luật.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ, bổ sung các ý kiến của cơ quan thẩm tra về hồ sơ dự án Luật; tính cụ thể, đơn giản và khả thi của các quy định trong dự án Luật như tính đồng bộ, thống nhất về hệ thống pháp luật, quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, kỳ tính thuế, doanh thu tính thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế suất phổ thông và thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...
Quá trình hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ quy định theo Nghị quyết số 27 tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.